VIE

Chiến thuật sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi lọc ảo chung

Updated : 2022/06/17

GD&TĐ - Khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh nên chú ý đến các điều kiện xét tuyển của từng trường và khả năng cũng như sở thích của mình để sắp xếp thứ tự nguyện vọng.

Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng
 
Không hạn chế số lượng nguyện vọng của thí sinh
 
PGS.TS Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết: "Những năm trước, thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học khác nhau và theo nhiều phương thức khác nhau. Điều này gây ra khó khăn cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh vì rất có thể một thí sinh sẽ nhận thông báo trúng tuyển của nhiều trường khác nhau. Để tránh tình trạng này, năm 2022 Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện lọc ảo toàn quốc cho tất cả các trường đại học và tất cả các phương thức xét tuyển. Sau khi lọc ảo, về nguyên tắc, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 trường duy nhất cho nguyện vọng cao nhất đã đăng ký trên hệ thống của Bộ".
 
Sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng thực hành tại phòng học đa phương tiện.
 
Như vậy, Bộ GD&ĐT chỉ điều chỉnh kỹ thuật lọc ảo ở khâu xét tuyển. Thí sinh không bị khống chế số lượng nguyện vọng khi đăng ký trên Hệ thống của Bộ GD&ĐT. Với điều chỉnh kỹ thuật năm nay, việc lọc ảo sẽ được thực hiện đối với tất cả các trường đại học, tất cả các phương thức tuyển sinh và sẽ cho phép thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng được ưu tiên cao nhất, được thí sinh mong muốn nhất.
 
Trung tâm Công nghệ thông tin và học liệu của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng được kết nối với hệ thống Studio, trường quay ảo, hỗ trợ phát triển đào tạo trực tuyến e-learning.
 
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Long, thí sinh nên tận dụng mọi điều kiện của mình để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học theo các phương thức khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển. "Đơn cử như Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng năm nay vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh như năm 2021 gồm: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển theo đề án riêng; Xét tuyển theo kết quả học tập THPT (Học bạ); Xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT". Các phương thức này hoàn toàn độc lập với nhau. Một thí sinh có thể vừa hộp hồ sơ theo phương thức xét tuyển theo đề án riêng, vừa nộp hồ sơ cho phương thức Học bạ và cả phương thức thi Tốt nghiệp THPT vào trường nếu muốn". 
 
PGS. TS Nguyễn Văn Long giao lưu trực tuyến với độc giả Báo Giáo dục & thời đại về tuyển sinh.
 
Thầy Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cũng lưu ý thí sinh: "Một số trường đại học thực hiện tuyển sinh sớm và quy định thí sinh không được điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã đăng ký trên hệ thống của trường. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc và cẩn thận khi thực hiện đăng ký tuyển sinh".
 
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Long, thí sinh cần nghiên cứu kỹ các thông tin tuyển sinh năm 2022 tại website của các cơ sở giáo dục đại học mà các bạn muốn đăng ký xét tuyển sinh. Đây là nguồn thông tin chính thống và tin cậy nhất. Ngoài ra, cần tham khảo điểm trúng tuyển của các năm trước, ví dụ năm 2021, 2020; thông tin tuyển sinh năm 2021 cũng có trên trang thông tin tuyển sinh của các trường. Trên cơ sở này, thí sinh xem xét nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho nhiều phương thức khác nhau khi đã xác định rõ ngành nghề mình muốn học và muốn làm sau này.
 
"Thí sinh cần nhớ các nguyên tắc lựa chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển: cơ hội việc làm của ngành nghề theo học; điều kiện tuyển sinh của ngành, trường theo học, mức học phí; sở thích và năng lực của bản thân, khả năng tài chính của gia đình; lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp và cải thiện sức học để có kết quả thi tốt", PGS. TS Nguyễn Văn Long gợi ý.
 
Chọn trường hay chọn ngành?
 
Đến thời điểm này, do không được điều chỉnh nguyện vọng như những năm trước nên nhiều thí sinh vẫn băn khoăn nên nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường có đào tạo ngành yêu thích hay nên nộp vào một trường rồi chọn nguyện vọng vào hệ đại trà và hệ chất lượng cao, lựa chọn nào là an toàn hơn. 
 
PGS. TS Nguyễn Văn Long tư vấn: "Mỗi trường có các phương thức xét tuyển khác nhau và mức điểm trúng tuyển khác nhau. Thí sinh nên tham khảo thông tin tại trang thông tín chính thức của các trường đại học. Nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển đại học thì thí sinh có thể phân tích phổ điểm của tổ hợp môn xét tuyển và điểm trúng tuyển của 2 năm gần đây để tham khảo". 
 
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Long, một kinh nghiệm sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng mà thí sinh có thể tham khảo là nên chọn các ngành có cơ hội trúng tuyển cao (những ngành có điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất thấp hoặc không cao hơn nhiều so với điểm thi THPT dùng để xét tuyển của thí sinh), sau đó sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên theo sở thích của thí sinh và theo cơ hội trúng tuyển theo điểm trúng tuyển của các năm trước từ cao xuống thấp.
 
Sau khi kết thúc thu hồ sơ các phương thức tuyển sinh sớm, các trường đại học sẽ công bố kết quả đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường. "Các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở đợt xét tuyển sớm phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng đã được công bố đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT theo kế hoạch chung để xử lý nguyện vọng toàn quốc. Thí sinh chỉ trúng tuyển chính thức sau khi có kết quả xử lý nguyện vọng cuối cùng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT", PGS. TS Nguyễn Văn Long lưu ý. 
 
Ví dụ như thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng bằng phương thức xét tuyển riêng, đã được nhà trường thông báo trước thời gian Bộ mở cổng đăng ký xét tuyển, thì khi Bộ mở cổng đăng ký, em cần đăng ký và đặt nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1) vào trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng và ngành mà em đã đủ điều kiện trúng tuyển.
 
GD&TĐ
 
Xem chi tiết bài viết: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chien-thuat-sap-xep-thu-tu-uu-tien-nguyen-vong-khi-loc-ao-chung-hqH3Nd9ng.html