VIE

Đại học Đà Nẵng ký kết Thỏa thuận hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội: Đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cùng đóng góp phát triển đất nước

Updated : 2023/04/21

Ngày 20/4/2023, tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã diễn ra Lễ Ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa ĐHĐN và Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN). Tham dự sự kiện có PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng-Giám đốc ĐHBKHN; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN; GS.TS. Lê Anh Tuấn-Chủ tịch Hội đồng ĐHBKHN; TS. Phan Minh Đức-Chủ tịch Hội đồng ĐHĐN.

Toàn cảnh buổi làm việc và Lễ ký kết hợp tác tại ĐHĐN 
 
Cùng tham dự có TS. Nguyễn Quân-nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN); GS.TSKH. Bùi Văn Ga-nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), nguyên Giám đốc ĐHĐN; GS.TS. Trần Văn Nam-nguyên Giám đốc ĐHĐN; GS.TS. Nguyễn Trọng Giảng-nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHBKHN; Ban Giám đốc và Hiệu trưởng các trường thành viên, các thầy nguyên là lãnh đạo Trường ĐHBKHN; Trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc của ĐHBKHN và ĐHĐN.
 
Lãnh đạo hai ĐH đồng chủ trì buổi làm việc
 
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN bày tỏ niềm vui và vinh hạnh chào đón Đoàn công tác của ĐHBKHN vào thăm, làm việc và cùng ký kết văn bản hợp tác với ĐHĐN.
 
Đánh giá cao ĐHBKHN có bề dày truyền thống và danh tiếng hàng đầu với các thế hệ cựu sinh viên/học viên có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước cũng như sự nghiệp GDĐT nước nhà, Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ bày tỏ sự trân trọng và cám ơn đối với Trường ĐHBKHN trước đây đã hỗ trợ, chi viện đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên cho Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (nay là Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN); đào tạo nhiều cán bộ, giảng viên cho Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN và tiếp tục có sự hợp tác gắn bó giữa hai trường Bách khoa trong khối 7 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu cho đến nay… “Chúng ta đã có quá trình hợp tác gắn bó lâu dài, đồng hành trong suốt chặng đường gần 50 năm qua”.
 
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ Giám đốc ĐHĐN phát biểu
 
Nhân dịp này, Giám đốc ĐHĐN trân trọng chúc mừng ĐHBKHN vừa mang học hiệu mới, không phải thay đổi danh xưng như thay chiếc áo mới mà thực sự đây là bước ngoặt, dấu ấn và cơ hội để phát triển ĐHBKHN trong giai đoạn mới khi có thêm các ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.
 
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN cho biết, mục đích của hai ĐH gặp gỡ, làm việc và ký kết Thỏa thuận hợp tác (được các bên chuẩn bị đầy đủ, cẩn thận, chi tiết) nhằm phát huy thế mạnh của mỗi ĐH để hợp tác cùng phát triển, thực thi sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học (NCKH) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), đóng góp tích cực cho sự nghiệp sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và phát triển đất nước, “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.
 
PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng Giám đốc ĐHBKHN phát biểu 
 
Giám đốc ĐHĐN chia sẻ, làm nổi bật một số tiềm năng, thế mạnh của ĐHĐN để hợp tác với ĐHBKHN trong thời gian đến, đó là: ĐHĐN là ĐH đa ngành, đa lĩnh vực; có bề dày truyền thống, danh tiếng (từ năm 1975 đến nay) đã đào tạo hàng chục vạn kỹ sư/cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý, kinh tế, nhà giáo, doanh nhân... đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. “Có thể nói, ĐHĐN là địa chỉ tin cậy trong sự lựa chọn của Quý phụ huynh và học sinh, nhất là đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.
 
Đại diện các đơn vị quản lý KHCN của hai ĐH báo cáo 
 
ĐHĐN có đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản, phần lớn từ các nước tiên tiến (tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên là 45%, riêng Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN là gần 73%). ĐHĐN được đóng chân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là thành phố có danh xưng “đáng sống”, nhờ đó tạo điều kiện để thu hút và giữ chân người tài.
 
ĐHĐN có truyền thống đoàn kết qua các thế hệ, nối tiếp nhau phát huy, bồi đắp khối đoàn kết, thống nhất tạo nên sức mạnh để xây dựng và phát triển.
 
Các đại biểu phát biểu, thảo luận
 
Trong thời gian qua, ĐHĐN đã và đang xây dựng những điều kiện, tiền đề vững chắc, quan trọng cho sự phát triển bền vững như: Dự án Khu Đô thị ĐHĐN được khởi động, khởi sắc; ĐHĐN được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ủng hộ, quan tâm cho triển khai Dự án ODA (từ Ngân hàng Thế giới), Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục ĐH cùng hai ĐH Quốc gia Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (Dự án PHER do Tổ chức USAID, Hoa Kỳ tài trợ). Đặc biệt, chủ trương phát triển ĐHĐN thành ĐH Quốc gia đã được đưa vào Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
 
Các đại biểu phát biểu, thảo luận
 
Bên cạnh đó, Giám đốc ĐHĐN thẳng thắn chia sẻ với đối tác những thách thức mà ĐHĐN cần tiếp tục nỗ lực để vượt qua như: Cần các nhà khoa học “đầu ngành, đầu đàn” để “dẫn dắt” NKCH, ĐMST và chuyển giao công nghệ; Cần có thêm nhiều sản phẩm KHCN nổi bật, hiệu quả ứng dụng, chuyển giao cao; Cần có các phòng thí nghiệm tiên tiến với trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu đào tạo, NCKH… Bên cạnh những lợi thế của mô hình ĐH đa lĩnh vực, đa ngành vần còn không ít bất cập, khó khăn trong mô hình ĐH vùng, có thể là kinh nghiệm để ĐHBKHN tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình ĐH 2 cấp…
 
 
Các đại biểu phát biểu, thảo luận
 
PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng-Giám đốc ĐHBKHN bày tỏ cảm xúc vui mừng, bồi hồi, cảm động, nhất là khi lãnh đạo của hai ĐH cùng nhau ôn lại quá khứ gắn bó giữa Trường ĐHBKHN và Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trước đây, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN cũng như với ĐHĐN hiện nay: “Chúng ta đã có một lịch sử gắn kết. Điều đó sẽ tạo nên sức mạnh để cùng nhau hợp tác phát triển”.
 
Giám đốc ĐHBKHN chia sẻ về tiềm lực của ĐHBKHN hiện có gần 1.800 cán bộ viên chức, trong đó có khoảng 1.150 giảng viên (hơn 76% có học vị Tiến sĩ, 26% có học hàm GS/PGS).
 
Các đại biểu phát biểu, thảo luận 
 
ĐHBKHN đang trong quá trình tái cấu trúc, được Chính phủ và Bộ GDĐT ủng hộ, hiện có 05 trường và các viện, khoa đào tạo trực thuộc.
 
Chiến lược phát triển của ĐHBKHN là tiếp tục phát huy các thế mạnh, truyền thống, tập trung để tối ưu hóa nguồn lực, gắn kết để nghiên cứu, chuyển giao và ĐMST trong các lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ, trọng tâm là Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo-Dữ liệu lớn; Năng lượng mới; Khoa học Sức khoẻ và Vật liệu mới, cùng với đó đang phát triển thêm các lĩnh vực về kinh tế, quản lý, công nghệ giáo dục…
 
Giám đốc ĐHĐN (bên trái) và Giám đốc ĐHBKHN ký kết hợp tác
 
PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng-Giám đốc ĐHBKHN nhấn mạnh ý nghĩa việc hai ĐH tiếp tục phát triển hợp tác từ “một quá khứ hào hùng, một hiện tại vững vàng” để các trường liên kết, chia sẻ kinh nghiệm sẽ tạo nên sức mạnh như tinh thần chung của Chính phủ đang khuyến khích khơi dậy sáng tạo trong liên kết phát triển vùng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh cho đất nước.
 
“Việc hai ĐH chúng ta ký kết hợp tác hôm nay là cam kết của một thế hệ lãnh đạo, hướng đến sự hợp tác bền chặt để cùng nhau đạt được những kết quả lớn hơn, tốt hơn, đóng góp tích cực cho giáo dục ĐH nước nhà và phát triển đất nước”.
Lãnh đạo ĐHĐN trao lưu niệm với lãnh đạo ĐHBKHN
 
Trong không khí chân thành, hiểu biết, các đại biểu đã thảo luận, bày tỏ niềm vui mừng, thống nhất cao với các nội dung được lãnh đạo hai ĐH ký kết hợp tác. Đây sẽ là nội dung hợp tác khung, là cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thành viên, đơn vị trực thuộc chủ động dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu, từ đó cụ thể hoá, triển khai hợp tác “thực chất, hiệu quả và bền vững”, Giám đốc ĐHĐN Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.
 
Các ý kiến phát biểu của các thầy lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của hai ĐH cũng như các trường thành viên đề xuất thêm những ý tưởng, nội dung để triển khai tinh thần hợp tác cụ thể, hiệu quả; “không chỉ là hợp tác song phương mà còn có tính dẫn dắt, định hướng, khẳng định rõ vai trò nòng cốt của ĐHBKHN và ĐHĐN trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà, đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp, địa phương, các vùng và đất nước”, GS.TSKH. Bùi Văn Ga chia sẻ.
Lãnh đạo ĐHBKHN trao lưu niệm với lãnh đạo ĐHĐN
 
Trước sự chứng kiến của các đại biểu, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ-Giám đốc ĐHĐN và PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng-Giám đốc ĐHBKHN đã cùng ký kết Thỏa thuận hợp tác, theo đó nội dung hợp tác sẽ được hai bên triển khai trong giai đoạn 05 năm, bao gồm 04 trọng tâm:
 
(1) Hợp tác tuyển sinh và đào tạo, trong đó chú trọng trao đổi sinh viên giữa các trường thành viên/đơn vị đào tạo trực thuộc...
 
(2) Hợp tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, qua đó phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong gắn với thực thi văn hóa chất lượng, đổi mới quản trị ĐH và đối sánh chất lượng giáo dục...
 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
(3) Hợp tác về KHCN và ĐMST, trọng tâm trong các ngành mũi nhọn mà hai bên có thế mạnh để đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là đối với các vấn đề cấp thiết của đất nước cũng như khu vực miền Trung; chú trọng theo hướng liên ngành/liên trường; hài hoà giữa nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng với nghiên cứu cơ bản/hàn lâm và công bố quốc tế; Phối hợp tổ chức các sự kiện, hội nghị khoa học uy tín...
 
(4) Hợp tác về quốc tế hóa thúc đẩy trao đổi chương trình/lưu học sinh quốc tế; chia sẻ mạng lưới học giả/chuyên gia; Phối hợp tham gia các mạng lưới, hiệp hội quốc tế…
 
Sự kiện ĐHĐN và ĐHBKHN ký kết Thỏa thuận hợp tác thực sự là dấu ấn quan trọng, mở ra giai đoạn mới để cùng thực thi sứ mệnh tiên phong đổi mới và hội nhập; nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá và phát triển đất nước.
 
Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN