VIE

Tọa đàm “Khảo sát các cơ sở đào tạo thực hiện quy định về chương trình đào tạo và công tác biên soạn, lựa chọn thẩm định, duyệt giáo trình, tài liệu giảng dạy trình độ đại học các ngành thuộc Khối ngành Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa nước ngoài”

Updated : 2024/11/18

Sáng ngày 15/11/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp với Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Tọa đàm “Khảo sát việc thực hiện chương trình đào tạo (CTĐT) và công tác biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt giáo trình, tài liệu giảng dạy trình độ đại học các ngành thuộc Khối ngành Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa nước ngoài (NN, VH&VHNN).

Tham dự Tọa đàm, về phía Đoàn công tác của Vụ GDĐH - Bộ GD&ĐT có TS. Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng, Trưởng đoàn, đại diện Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, cùng các chuyên viên liên quan; các chuyên gia của Đoàn công tác gồm ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; bà Nguyễn Diệu Cúc - Trưởng Bộ môn Quản trị văn phòng, Khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục.
 
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN có PGS.TS. Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Phan Văn Hòa - Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện lãnh đạo các phòng (Đào tạo, Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục), khoa và tổ. Tọa đàm còn có sự tham dự của 20 thầy, cô là trưởng, phó các phòng, ban và bộ môn đến từ 10 cơ sở GDĐH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận thuộc khu vực miền Trung được lựa chọn tham gia khảo sát.
 
Toàn cảnh Tọa đàm diễn ra tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN - Đơn vị được Bộ GD&ĐT lựa chọn tổ chức
 
Phát biểu đề dẫn tại Tọa đàm, TS. Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước hiện có 134 cơ sở đào tạo khối ngành NN, VN&VHNN, với quy mô đào tạo lên đến hơn 146.000 sinh viên. Trước xu hướng mới tương đối lớn về nhu cầu đào tạo khối ngành này, yêu cầu đặt ra về đảm bảo chất lượng CTĐT là rất cấp thiết.
 
Phó Vụ trưởng Đặng Văn Huấn cho biết thêm, trước đó, Đoàn công tác Vụ GDĐH đã tiến hành khảo sát các cơ sở đào tạo tại khu vực miền Bắc. Tại buổi Tọa đàm, Phó Vụ trưởng bày tỏ mong muốn được lắng nghe các báo cáo về tình hình thực tiễn triển khai CTĐT khối ngành NN, VH&VHNN, cũng như các ý kiến phản hồi về những khó khăn, vướng mắc từ các cơ sở GDĐH trong tổ chức thực hiện. Từ đó đưa ra các đề xuất, khuyến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách, quy định về đào tạo, phát triển chương trình và tài liệu giảng dạy của các cơ sở GDĐH đào tạo các ngành thuộc Khối ngành NN, VH&VHNN.
 
 
TS. Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT phát biểu đề dẫn Tọa đàm
 
Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN bày tỏ vinh dự khi Nhà trường được Bộ GD&ĐT lựa chọn là đơn vị phối hợp tổ chức Tọa đàm và thực hiện công tác khảo sát. Phó Hiệu trưởng cùng bày tỏ vui mừng khi được chào đón Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng như đại diện lãnh đạo đến từ 10 cơ sở GDĐH trong khu vực miền Trung đến tham dự Tọa đàm.
 
Tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Văn Long đã giới thiệu khái quát về Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN - một trong ba trường đại học chuyên ngữ của cả nước, thực hiện sứ mệnh đào tạo ngôn ngữ, văn hóa và văn minh nhân loại. Với lịch sử gần 40 năm xây dựng và phát triển, hiện Nhà trường có quy mô đào tạo hơn 8.000 sinh viên, với các CTĐT bậc đại học và sau đại học, 8 thứ tiếng (gồm Anh, Pháp, Nga, Nhật, Hàn, Trung, Thái Lan và Tiếng Việt cho người nước ngoài).
 
PGS.TS. Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN phát biểu chào mừng tại Tọa đàm
 
Đại diện lãnh đạo đơn vị phối hợp tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN chia sẻ Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng đối với công tác chuyên mông về xây dựng CTĐT các ngành thuộc Khối ngành NN, VH&VHNN; là cơ hội để đại diện các cơ sở GDĐH chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và thảo luận.
 
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe 04 báo cáo tham luận và thảo luận của các cơ sở GDĐH trong thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT về CTĐT trình độ đại học đối với các ngành thuộc Khối ngành NN, VH&VHNN (xây dựng, thẩm định, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá, cải tiến chất lượng đào tạo.
 
Các tham luận trình bày tại Tọa đàm
 
Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng tập trung thảo luận về việc thực hiện biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình trình độ đại học các ngành thuộc Khối ngành NN, VH&VHNN.
 
Chủ trì Tọa đàm
 
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã phát biểu, chia sẻ các nội dung về tình hình thực hiện quy định xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT trình độ đại học các ngành thuộc Khối ngành NN, VH&VHNN; tình hình tuyển sinh và xu hướng trong thời gian tới; thực trạng quá trình thực hiện các quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành, áp dụng CTĐT; những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định liên quan; bài học kinh nghiệm được đúc rút, thực tiễn hữu ích, kinh nghiệm của các cơ sở GDĐH trong khu vực.
 
Thảo luận tại Tọa đàm
 
Ngoài ra, Tọa đàm cũng tập trung thảo luận, chia sẻ về công tác đánh giá, cải tiến chất lượng và chuẩn đầu ra của CTĐT; thực trạng các nguồn lực thực hiện CTĐT (con người, ngân sách, …); sự phối hợp của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, đánh giá và cải tiến, thẩm định và ban hành CTĐT; các nội dung về tình hình thực hiện quy định trong biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt giáo trình, tài liệu giảng dạy và các đề xuất có liên quan.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Vụ GDĐH - Bộ GD&ĐT đã có buổi phỏng vấn chuyên sâu đối với nhóm cán bộ quản lý và giảng viên của các cơ sở đào tạo về việc thực quy định CTĐT và công tác biên soạn, lựa chọn thẩm định, duyệt giáo trình, tài liệu giảng dạy trình độ đại học các ngành thuộc Khối ngành NN, VH&VHNN.
 
Phiên phỏng vấn sâu các cán bộ quản lý, giảng viên diễn ra trong chiều cùng ngày
 
Với các ý kiến được chia sẻ, thảo luận, phân tích và đánh giá, Tọa đàm đã nêu ra điểm mạnh, điểm hạn chế của việc thực hiện. Từ đó, đề xuất những giải pháp phù hợp liên quan đến xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT trình độ đại học các ngành thuộc Khối ngành NN, VH&VHNN sao cho đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc đào tạo trong bối cảnh hội nhập.