Khoa tiếng Nga

Thông tin liên hệ:

Văn phòng: Tầng 3, Khu Hiệu bộ, 131 Lương Nhữ Hộc, Quận Cẩm Lệ - Tp. Đà Nẵng

Điện thoại: (+84). 236. 3699.692

Website: http://khoanga.ufl.udn.vn/vie/

Email: rus@ufl.udn.vn  Elearning: http://lms3.ufl.udn.vn/course/index.php?categoryid=5

 

Giới thiệu chung:

Khoa Tiếng Nga trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng đã kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa vào tháng 10 năm 2010. Lễ kỷ niệm cũng là dịp để cán bộ, giáo viên Khoa tiếng Nga nhìn lại chặng đường dài xây dựng và phát triển Khoa.

- Ngày 14/4/1985 Bộ Giáo dục ra quyết định số 395B/QĐ về việc thành lập Cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng với nhiệm vụ đào tạo giáo viên ngoại ngữ có trình độ đại học cho khu vực Miền Trung và Tây Nguyên gồm hai khoa đầu tiên là khoa tiếng Anh và khoa tiếng Nga. Cũng từ đây việc đào tạo Cử nhân sư phạm tiếng Nga và giảng dạy tiếng Nga cho nhiều loại hình đào tạo khác nhau đã nhanh chóng phát triển, tăng dần về qui mô và chất lượng đào tạo, góp phần đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. Tuy nhiên từ trước đó tiếng Nga đã có thời gian 10 năm được giảng dạy tại Đà Nẵng ở các trường Đại học Bách Khoa, Phân hiệu Đại  học Kinh tế, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng.

- Thực hiện việc tổ chức và sắp xếp một số trường đại học trọng điểm trong toàn quốc, ngày 04/04/1994 Chính phủ đã ra Nghị định số 32/CP về việc thành lập Đại học Đà Nẵng với chức năng là một đại học vùng đa lĩnh vực, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của Việt Nam. Khoa tiếng Nga cùng các khoa ngoại ngữ khác của Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng sát nhập vào Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng.

- Ngày 26/08/2002 theo Quyết định số 709/QĐ-TTG của chính phủ Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng chính thức được thành lập, tách ra từ Đại học Sư phạm. Tuy điều kiện về cơ sở vật chất của một trường mới thành lập còn gặp nhiều khó khăn, song sự tái lập nhà trường đã tạo nhiều thuận lợi cơ bản cho khoa tiếng Nga, cũng như các khoa khác trong trường tiếp tục ổn định và phát triển.

- 35 năm tiếng Nga được giảng dạy tại Đà Nẵng và 25 năm xây dựng và phát triển của khoa tiếng Nga - Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Đà Nẵng là một chặng đường dài trưởng thành của đội ngũ cán bộ và sinh viên trong Khoa. Hiện nay Khoa Tiếng Nga có 25 cán bộ và giảng viên (trong đó có 4 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 16 thạc sĩ và 4 cử nhân; 20/23 giảng viên có 2 bằng đại học).

- Với hơn 30 năm hoạt động giảng dạy, Khoa Tiếng Nga đã đào tạo gần 2000 sinh viên hiện đang làm việc và thành công trên nhiều lĩnh vực khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, Khoa cũng đã trải qua không ít thăng trầm trên con đường phát triển của mình.  Những biến động chính trị xã hội tại Liên Xô và các nước Đông Âu đầu những năm 90 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giảng dạy tiếng Nga và các cơ sở đào tạo trong cả nước. Từ vị trí gần như độc tôn trong giảng dạy ngoại ngữ, tiếng Nga đã dần dần bị đưa ra khỏi chương trình của nhiều trường học, đến nay số trường phổ thông còn dạy tiếng Nga trong cả nước chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, điều này gây khó khăn lớn cho công tác tuyển sinh của Khoa. Đầu những năm 2000 thông tin về việc  xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi với sự tham gia của Liên bang Nga đã làm hồi sinh nhu cầu học ngoại ngữ này ở miền Trung, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Số lượng sinh viên của khoa bắt đầu tăng nhanh, đỉnh cao là năm 2002-2003. Nhưng sau đó cùng với việc LB Nga rút khỏi dự án nhà máy lọc dầu, số lượng sinh viên vào Khoa lại bắt đầu giảm mạnh. Điều này chứng tỏ ngày nay người học đã thực sự quan tâm, nghiên cứu nhu cầu xã hội khi chọn ngành học.

- Những năm gần đây thị trường việc làm tiếng Nga đã có những dấu hiệu khởi sắc trở lại, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch do lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam tăng mạnh. Từ năm 2005 trở lại đây ngày càng có nhiều sinh viên của Khoa sau khi ra trường tìm được những công việc liên quan đến tiếng Nga như phiên dịch, hướng dẫn viên, nhân viên công ty du lịch, khách sạn…trên cả nước, tập trung nhiều nhất tại các thành phố du lịch của miền Trung như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết

– Mũi Né. Nắm bắt được nhu cầu thị trường về tiếng Nga du lịch, Khoa đã cố gắng trang bị thêm cho sinh viên những kiến thức tiếng Nga và văn hóa trong lĩnh vực này,  tổ chức các nhóm học ngoài giờ để tăng cường thời gian thực hành, đi thực tế đến các điểm du lịch trong khu vực và giới thiệu cho sinh viên đến thực tập tại các công ty du lịch, khách sạn tại Hội An, Đà Nẵng hoặc vào Phan Thiết – Mũi Né…  Rất nhiều sinh viên năm cuối ngay khi chưa tốt nghiệp đã nhận được những lời đề nghị làm việc. Sắp tới, việc khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận với sự giúp đỡ của LB Nga chắc chắn cũng sẽ là đòn bẩy cho việc phục hồi việc truyền bá và giảng dạy Tiếng Nga trong cả nước nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng.

 

Cơ cấu nhân sự:

 

STT Họ và tên Chức vụ CDNN Trình độ 
1 Nguyễn Văn Hiện  Trưởng khoa  GVC TS
2 Bùi Hoàng Ngọc Linh Phó Trưởng khoa GV ThS
3 Lưu Thị Thùy Mỹ Phó TBM Lý thuyết tiếng GV ThS
4 Trịnh Thị Tĩnh Phó TBM Thực hành tiếng GV ThS
5 Trần Thị Khánh Vy Phó TBM Văn học - Dịch - Đất nước học GV ThS
6 Trương Thị Bé Giảng viên cơ hữu GV ThS
7 Nguyễn Ngọc Chinh  Giảng viên cơ hữu GVCC PGS.TS
8 Dương Quốc Cường  Giảng viên cơ hữu GVCC PGS.TS
9 Nguyễn Thị Hạnh Giảng viên cơ hữu GV ThS
10 Nguyễn Thị Trinh Lương  Giảng viên cơ hữu GVC TS
11 Nguyễn Văn Thành Giảng viên cơ hữu GV ThS
12 Lê Thu Thảo Giảng viên cơ hữu GV ThS
13 Nguyễn Huyền Nam Trân Giảng viên cơ hữu GV ThS
14 Phạm Thị Huyền Trang Giảng viên cơ hữu GV ThS
15 Đào Ngọc Vinh Giảng viên cơ hữu GV ThS
16 Lê Thị Trang  Chuyên viên CV ThS
 Print