Bước đột phá Đại học Đà Nẵng

Bước đột phá Đại học Đà Nẵng

Updated : 2014/11/17

Kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là dấu mốc tuổi đôi mươi ”đầy nhựa sống” của Đại học Đà Nẵng. 20 năm, một quãng thời gian không dài nhưng ĐH Đà Nẵng đã làm nên một hiện tượng kỳ diệu của phát triển.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm việc với Đại học Đà Nẵng về thực hiện NQ 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…
 
 
Với tư cách là một trung tâm khoa học, kinh tế, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đại học Đà Nẵng đã tạo bước đi đột phá để trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế lớn.
 
Nhân sự kiện này phóng viên báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
 
Thưa PGS.TS Trần Văn Nam, có nhà quản lý giáo dục cho rằng: Chặng đường 20 năm của Đại học Đà Nẵng là minh chứng cho bước nhảy vọt của giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập. Ý kiến của ông như thế nào?
 
- Chúng tôi rất vui và tự hào với nhận định này. 20 năm qua, giáo dục và đào tạo nói chung và GD đại học nói riêng đã có những đóng góp vô cùng quan trọng với vai trò động lực của sự phát triển này, với sự gia tăng về qui mô và chất lượng đào tạo đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng khắt khe của xã hội, bằng sự đổi mới không ngừng và bằng những nỗ lực hội nhập vượt trội.
 
Những thành tựu đáng tự hào này là kết quả của một chiến lược đúng đắn định hướng chất lượng dựa trên chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo... Những nét đặc trưng khác biệt sau 20 năm hình thành và phát triển của ĐHĐN có thể được sơ lược như sau:
 
* Về cơ cấu tổ chức: Lúc mới thành lập vào năm 1994, ĐHĐN là một tập hợp của 1 trường ĐH là Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng , 1 Cơ sở của Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng và 1 trường cao đẳng là Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam Đà Nẵng và Trường Công nhân Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi.
 
Đến nay, ĐHĐN là một tổ chức giáo dục đại học đa cấp, đa ngành với cấu trúc tổ chức của một đại học vùng quy mô lớn, với các thành viên ban đầu trở trường các đại học thành viên có uy tín và vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Ngoại ngữ và Trường ĐH Sư phạm, cùng với 2 cơ sở đang được sắp xếp lại để trở thành Trường ĐH Công nghệ thông tin và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật.
 
ĐHĐN hiện cũng đang có một Phân hiệu tại tỉnh Kon Tum, 1 viện nghiên cứu và đào tạo liên kết chiến lược với các trường đại học của Anh Quốc là Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh,  Khoa Y Dược, Khoa Đào tạo Quốc tế và Khoa Giáo dục thể chất, cùng với 23 viện và trung tâm nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ dịch vụ giáo dục và chuyển giao công nghệ. Quy mô tổ chức này thể hiện sự lớn mạnh không ngừng thời gian của ĐHĐN.
 
* Về đội ngũ cán bộ: Từ khoảng 1.200 cán bộ vào năm 1994, đến nay ĐHĐN đang có gần 2.300 CBGV và CBQL, phục vụ. Đặc biệt, số lượng cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học lên đến 85%, trong đó những người có trình độ tiến sĩ là 290 người, tăng gấp 5 lần so với năm 1994 và số lượng các giáo sư, phó giáo sư tăng gấp 10 lần. Phần lớn đội ngũ cán bộ được đào tạo từ các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài và nhiều người là chuyên gia đầu ngành.
 
* Về qui mô đào tạo: Cùng với sự gia tăng của nhu cầu đào tạo đại học của xã hội tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, quy mô đào tạo của ĐHĐN cũng gia tăng nhanh chóng. 
 
Năm 1994, ĐHĐN có khoảng 25.000 sinh viên và đến nay con số này là hơn 75.000 sinh viên, tăng gấp 5 lần, đặc biệt là sự gia tăng của số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh. 
 
Hiện nay, hàng năm ĐHĐN là địa chỉ học tập của khoảng 3.500 học viên cao học trong 32 chuyên ngành và 170 nghiên cứu sinh của 17 chuyên ngành.
 
* Về nghiên cứu khoa học: Năm 1994, hoạt động NCKH chủ yếu là các hoạt động nhỏ lẻ phục vụ giảng dạy và công bố nội bộ trong tập san với 6 tháng 1 số thì nay cán bộ giảng dạy và NCKH của ĐHĐN công bố mỗi năm hơn 200 bài báo quốc tế, thực hiện khoảng 250 đề tài nghiên cứu các cấp và doanh thu chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất xấp xỉ 30 tỉ đồng/năm. ĐHĐN có 3 tạp chí khoa học chuyên ngành và xuất bản khoảng 40 số tạp chí với gần 1.000 bài báo mỗi năm.
 
* Về hợp tác quốc tế: Năm 1994, các hợp tác của ĐHĐN chủ yếu với các đại học ở Đông Âu và Pháp thì đến nay đã có các thỏa thuận hợp tác với hơn 170 trường đại học thuộc 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục.
 
ĐHĐN đang là đối tác liên kết với nhiều trường và viện nghiên cứu trên thế giới, cung cấp ngày càng nhiều cơ hội học tập và tri thức khoa học tiên tiến cho người dân địa phương.
 
Như vậy, sau 20 năm ĐHĐN đã thực sự trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế lớn của miền Trung và cả nước. 
 
Hiện nay, ĐHĐN đang phát triển mạnh mẽ để trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu và lọt vào nhóm 100 trường đại học hàng đầu Châu Á.
 
PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng

Xin ông cho biết những bước đi cũng như kết quả của Đại học Đà Nẵng trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội?
 
- Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và sự hội nhập quốc tế đang diễn ra rất mạnh mẽ nên chủ trương quan trọng nhất của chúng tôi là hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế.
 
Trong hoạt động đào tạo, chúng tôi tăng cường áp dụng các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài và thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín.
 
ĐHĐN có nhiều năm triển khai giảng dạy chương trình Hệ thống số của Đại học Washington (Hoa Kỳ), chương trình Hệ thống nhúng của Đại học Porland (Hoa Kỳ), chương trình Tự động hóa, Tin học Công nghiệp của Đại học Bách khoa Grenoble (Pháp), Chương trình Công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Luminy (Pháp) và của Đại học Monash (Úc), hay chương trình Quản trị kinh doanh của Đại học Sunderland (Anh Quốc)...
 
Triển khai thành công các chương trình này góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và có sức lan tỏa lớn để đổi mới các chương trình giảng dạy trong toàn ĐHĐN. 
 
Chúng tôi đã có 3 chương trình đào tạo bậc kỹ sư được kiểm định và công nhận bởi Hiệp hội đánh giá và công nhận chức danh kỹ sư CTI (Commission des Titres d'Ingénieur) và hiện đang triển khai kiểm định cho một số chương trình khác theo chuẩn AUN của Mạng lưới các trường đại học Châu Á (Asian University Network).
 
Các chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận bởi các tổ chức quốc tế cũng có nghĩa rằng nguồn nhân lực được đào tạo cũng sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng trong và ngoài nước. 
 
Một minh chứng có thể nêu là gần như 100% sinh viên các chương trình quốc tế của ĐHĐN đều tìm được việc làm tại các công ty đa quốc gia nổi tiếng như: Intel, Microsoft, Toyota, Bosch, Doosan... hoặc các công ty lớn trong nước như Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Ô tô Trường Hải, FPT, Viettel...
 
Trong NCKH, chúng tôi khuyến khích và có những hỗ trợ cần thiết để cán bộ có cơ hội học tập, nghiên cứu và công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế. 
 
Hiện nay, chúng tôi đang có 358 cán bộ học tập ở nước ngoài và mỗi năm công bố gần 200 bài báo trên các kỷ yếu hội nghị và tạp chí quốc tế.
 
Trong Chương trình hành động của Chính phủ cũng như kế hoạch hành động về đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục và đào tạo đều thể hiện việc coi trọng khâu đảm bảo chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo và đổi mới công tác quản lý. Ông có thể đánh giá một cách khái quát nhất về đội ngũ CBQL, GV của Đại học Đà Nẵng.
 
- Để đánh giá về đội ngũ CBGV  của ĐHĐN tôi có thể tự hào nói rằng họ là những người được đào tạo bài bản, có tư cách đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
Để trở thành cán bộ, giảng viên của ĐHĐN phải trải qua một quá trình phấn đấu lâu dài, qua một hệ thống tuyển chọn và được tạo điều kiện để liên tục học tập nâng cao trình cao trình độ ở nước ngoài, tự bồi dưỡng, giao lưu với các nhà khoa học, quản lý trong và ngoài nước nên đa số đều có tri thức, kỹ năng làm việc tốt. Để thành giảng viên ĐHĐN, trước hết phải tốt nghiệp đại học loại giỏi tại các trường đại học lớn trong và ngoài nước.
 
Tiếp đó phải tham gia học thạc sĩ và tiến sĩ tại các đại học ở nước ngoài (chỉ một số ít ngành học đặc biệt mới học sau đại học trong nước) và sau khi về công tác sẽ tiếp tục hợp tác nghiên cứu và giảng dạy với các đại học ở nước ngoài.
 
Vì vậy, đa số giảng viên ĐHĐN đều có thể giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ, có cách tư duy và phong cách làm việc hiện đại. Đội ngũ CB, GV là vốn quí nhất mà ĐHĐN có được sau 20 năm phát triển và là tiền đề quan trọng nhất để chúng tôi tự tin tiến bước trong những năm đến.
 
Đại học Đà Nẵng sẽ chuẩn bị những điều kiện nào cho những bước phát triển mới trong những năm tiếp, theo định hướng Đại học nghiên cứu?
 
- Chúng tôi tập trung những công tác trọng tâm như sau:
 
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động theo hướng phát huy tối đa tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức cơ sở và cá nhân. 
 
Mỗi đơn vị cơ sở, mỗi cá nhân phải có môi trường thuận lợi để phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của mình để đóng góp vào thành công chung của đại học.
 
Thứ hai, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhất là tiến sĩ tốt nghiệp ở các trường đại học uy tín trên thế giới. Đặc biệt, chúng tôi tập trung phát hiện, thu hút và bồi dưỡng những chuyên gia đầu ngành của từng lĩnh vực.
 
Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển mạnh mẽ các chương trình đào tạo quốc tế và nghiên cứu khoa học, tìm kiếm dự án chung. 
 
Các chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn và được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế là mục tiêu phấn đấu của ĐHĐN. Phát triển Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt Anh thành Đại học quốc tế Việt Anh.
 
Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Hình thành mạng lưới các trung tâm, các nhóm nghiên cứu giảng dạy và đặc biệt là các trung tâm nghiên cứu quốc tế, với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
 
Thứ năm, tiếp tục cải tạo, nâng cấp và bổ sung CSVC. Các phòng học, phòng thí nghiệm và phòng làm việc cho cán bộ phải được tiêu chuẩn hóa và đáp ứng tốt nhất yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Theo giaoducthoidai.vn