Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng trên lộ trình khẳng định là Trung tâm đào tạo và khảo thí Nhật ngữ khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng trên lộ trình khẳng định là Trung tâm đào tạo và khảo thí Nhật ngữ khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Updated : 2015/07/06

Đúng vào lúc 9g sáng nay (5/7/2015), tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), 2.495 thí sinh đến từ các tỉnh, TP Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, đặc biệt, có cả các thí sinh Hà Nội, đã chính thức bước vào kỳ thi năng lực tiếng Nhật – JLPT, đợt 1 2015. Kỳ thi do Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật bản tổ chức.

 

Các Cô giáo Giám thị coi thi hướng dẫn các em quy định được phép mang vào phòng thi đồ dùng học tập gì (ảnh trên) và kiểm tra Danh sách - Giấy báo dự thi đối chiếu với CMND (ảnh tiếp theo). Kỳ thi JLTP được tổ chức với nhiều quy định nghiêm ngặt như các kỳ thi quốc gia. -Ảnh: T.N.

 

“Kỳ thi năng lực tiếng Nhật được tổ chức nhiều nơi trên thế giới. Theo quy định bắt buộc là vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tuần đầu tiên trong tháng 7 (đợt 1) và trong tháng 12 (đợt 2). Giờ thi cũng bắt buộc là đúng 9 giờ tính theo múi giờ của quốc gia phối hợp với Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật bản để tổ chức kỳ thi. Sau khi thí sinh làm xong bài, toàn bộ bài thi đều được đóng gói theo quy chuẩn mà phía ban đưa ra và chuyển sang Nhật để chấm. Đề thi thừa cũng như CD kèm theo (CD này chứa đề thi của phần nghe/hiểu) đều được tiêu huỷ công khai, có sự giám sát của chuyên gia nước bạn. Nghĩa là, không để đề thi lọt ra ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, dù các em đã thi xong.

Với Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, đây là lần VII, chúng tôi tổ chức kỳ thi này” – Thạc sỹ Tăng Thanh Mai, nguyên Trưởng khoa Nhật-Hàn-Thái, nay là Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, người đã có công đưa kỳ thi về Đà Nẵng cho biết.

Được biết, ngay trong năm đầu tiên tổ chức kỳ thi (2009), số lượng thí sinh đăng ký dự thi JLTP đã hơn 800. Cứ theo đà năm sau tăng hơn năm trước, đến 2015, số lượng thí sinh đăng ký dự thi đã nhiều hơn 3 lần so với 2009. Ngay như sáng nay, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng phải tổ chức đến 2 điểm thi (một tại Đại học Ngoại ngữ và hai là trường Cao đẳng Công nghệ).

 

Tiến sỹ Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng phát biểu động viên các Thầy Cô Giám thị tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ coi thi, nắm chắc quy chế kỳ thi JLTP, dù biết các Thầy Cô rất mệt sau 4 ngày coi thi THPT quốc gia 2015.

-Ảnh: T.N.

 

Việc tổ chức kỳ thi tại Đà Nẵng thực sự đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn bạn trẻ, lựa chọn ngôn ngữ Nhật như một trong những hành trang, năng lực làm việc, một trong các điều kiện phải có để gia nhập vào lực lượng lao động ở các công ty, doanh nghiệp Nhật, đang hoạt động tại địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Các bạn không phải ra Hà Nội hay vào TP.Hồ Chí Minh để dự thi.

Một số lưu ý trên giấy làm bài thi và cách thức làm bài theo quy chế thi, được các Cô Giám thị lưu ý lần cuối cho thí sinh, trước khi phát đề.

-Ảnh: T.N

“Mặc dù đã có việc làm (tại một doanh nghiệp Nhật), nhưng em vẫn tiếp tục học và dự thi lấy chứng chỉ các cấp độ năng lực tiếng Nhật, để khi có cơ hội, em sẽ ghi danh xin tham gia tuyển dụng vào một công ty có quy mô lớn hơn. Em muốn thử sức mình với yêu cầu công việc bận rộn hơn, chịu áp lực nhiều hơn. Đó cũng là môi trường để em phát huy kiến thức chuyên môn lẫn năng lực ngoại ngữ của mình” – bạn N.T.D, sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán (Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng) hiện đang làm việc cho một công ty thiết kế bản mạch điện tử, chia sẻ.

Rõ ràng, cùng với số lượng doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam, vào miền Trung, vào Đà Nẵng đang ngày một gia tăng; các hoạt động giao lưu văn hoá giữa hai quốc gia, mà Hội An (gần kề Đà Nẵng) như một điểm ngưng tụ; rồi lượng du khách Nhật đến Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cũng ngày một nhiều hơn… đã làm thay đổi quan niệm, xu hướng chọn ngành và nghề ở các bạn trẻ. Nói cách khác, một môi trường làm việc mới đã mở ra cho các bạn với nhiều lựa chọn hơn.

“Em đã tốt nghiệp hướng dẫn viên du lịch trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, em ghi danh học thêm tiếng Nhật ở một Trung tâm, rồi tự học thêm qua giáo trình tự mua, chọn bạn có cùng sở thích để học tiếng Nhật. Và em thấy cách học này rất hiệu quả. Vừa đam mê, luôn quyết tâm lại có bạn cùng ý nguyện, cả hai có cơ hội được học hỏi lẫn nhau, sẽ nhanh tiến bộ.

Sau kỳ thi này, em tiếp tục học tiếng Nhật vì mục tiêu phấn đấu của em là trở thành hướng dẫn viên du lịch tiếng Nhật. TP Đà Nẵng mình đang phát triển mạnh du lịch, em nghĩ rằng đó là cơ hội mà lao động trẻ chúng em cần nắm bắt. Tuy nhiên, phải học và không ngừng học, vì tiếng Nhật là một ngôn ngữ khó. Nói thạo tiếng Nhật, hướng dẫn và làm hài lòng du khách Nhật khó hơn rất nhiều so với một số ngoại ngữ thông dụng khác. Cơ hội đã đến với mình nhưng nếu mình không có định hướng rõ ràng và kiên trì với cơ hội, mình sẽ để mất cơ hội” – bạn Dương Ngọc Kiều Trinh, một thí sinh dự thi cấp độ N5 sáng nay, bộc bạch.

 

Thạc sỹ Tăng Thanh Mai, nguyên Trưởng khoa Nhật-Hàn-Thái, nay là Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính trực tiếp phổ biến Quy chế kỳ thi JLTP đến các Thầy Cô Giám thị.

 

Tại kỳ thi JLTP (là kỳ thi dành cho các thí sinh, mà với họ, ngôn ngữ Nhật không phải là tiếng mẹ đẻ), các thí sinh sẽ thi để lấy chứng chỉ năng lực Nhật ngữ theo cấp độ từ thấp đến cao (N5 đến N1). Theo Thạc sỹ Tăng Thanh Mai, sau mỗi kỳ thi từ 2013 trở về trước, Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật bản đều phát hành một tuyển tập bộ đề thi, gửi cho các Đại học đã và đang đào tạo ngôn ngữ Nhật, đồng thời đứng ra tổ chức JLTP, tham khảo.

Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nằng) đã tổ chức nghiên cứu, phân tích và đánh giá các yêu cầu của đề thi để đưa vào chương trình đào tạo. Bởi đề thi thể hiện rất rõ các yêu cầu sử dụng ngôn ngữ Nhật trong đời sống, công việc, kể cả hoà nhập và thích nghi với văn hoá Nhật. Cũng từ đề thi, việc giảng dạy tiếng Nhật ở Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) đã định hình với 2 khối kiến thức (được lồng ghép linh hoạt vào nhau) theo quy trình: từ năm I đến HK 1 năm III, các em phải lần lượt hoàn thiện tốt kỹ năng thực hành tiếng, từ năm III đến lúc tốt nghiệp, các em đi sâu hơn vào ngôn ngữ chuyên ngành để có khả năng biên phiên dịch. Sinh viên ngành tiếng Nhật Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) cũng phải trải qua một kỳ thi về chuẩn đầu ra khác, đó là ngoại ngữ thứ hai tuỳ chọn.

Hàng ngàn bạn trẻ Đà Nẵng, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tham dự kỳ thi JLTP được tổ chức tại 2 điểm Đại học Ngoại ngữ và Cao đẳng Công nghệ (Đại học Đà Nẵng) sáng nay (1/7/2015). -Ảnh; T.N.

“Hiện nay em là SV chuyên ngành tiếng Nhật của Trường. Bên cạnh tiếng Nhật, em học song song tiếng Anh. Với em trong bối cảnh, môi trường làm việc hiện nay, biết càng nhiều ngoại ngữ thì càng có ưu thế” – bạn Nguyễn Văn Thông, SV năm III, chuyên ngành ngôn ngữ Nhật (Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.

Thông bắt đầu “chịu” tiếng Nhật sau một thời gian làm quen với ngôn ngữ này, kể cả có lúc tưởng chừng bỏ cuộc bởi quá khó. Mà mức độ khó thì càng tăng theo trình độ. Nhưng rồi chính độ khó càng làm Thông thích thú. Theo bạn Thông, tiếng Nhật có cấu trúc từ, ngữ pháp rất đặc thù không giống với các ngoại ngữ phổ biến. Càng học, Thông đã càng thấy lôi cuốn, đam mê hơn. Giống như được khám phá và được chinh phục.

Thông cho biết, thú vị nhất là các câu hỏi trong kỳ thi mà bạn đã vượt qua. Không đơn thuần là đọc hiểu rồi chọn đáp án đúng để đánh dấu (thi trắc nghiệm). Mỗi đáp án ngoài tính hợp lý, đúng đắn của vấn đề còn lồng ghép cả yếu tố văn hoá, tính kỷ luật của người Nhật. Qua cách lựa chọn của người dự thi, giám khảo sẽ chấm cả yếu tố đúng về lý thuyết và yếu tố đúng về hành xử trong cuộc sống.

“Chúng tôi đã tham khảo rất kỹ các bộ tuyển tập đề thi, sau này thì tham khảo báo cáo từ Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật bản gửi cho Nhà trường, để cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo, giúp người học nâng cao dần năng lực sử dụng tiếng, cũng như, hình thành được những kỹ năng cần thiết, phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng trong tương lai.

Đặc biệt, đối với ngôn ngữ Nhật – doanh nghiệp Nhật, chúng tôi rất chú ý đến các yếu tố phải am hiểu văn hoá, thói quen trong sinh hoạt , kỷ luật trong làm việc, cùng những đức tính, kỹ năng bắt buộc khác mà lao động Việt Nam, nếu muốn gia nhập vào nguồn nhân sự của một công ty, một doanh Nhật, nhất định phải biết, phải thạo.

Đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định rằng, chương trình dạy tiếng Nhật tại trường, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng Nhật, hoặc các liên doanh có yếu tố Nhật” Tiến sỹ Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.

Được biết, đến nay, Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng cũng đã góp phần đáng kể để dần cải thiện tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngoại ngữ hiếm và Nhà trường vẫn tiếp tục tăng quy mô đào tạo đón đầu làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Đà Nẵng, nhất là lĩnh vực CNTT. Hiện Nhà trường đang hoàn chỉnh giai đoạn cuối 2 đề án rất quan trọng: Đào tạo tiếng Nhật chuyên ngành CNTT và Du lịch trình Đại học Đà Nẵng và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Đây là cơ sở để mở mới 2 chuyên ngành đào tạo, mà theo dự báo sẽ thu hút rất đông người theo học.

Tiến sỹ Trần Hữu Phúc cũng cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình gặp gỡ, thảo luận giữa 3 nhà (Nhà trường-Nhà tuyển dụng-Nhà quản lý (UBND, Sở, ban, ngành liên quan) để đi đến một văn bản hợp tác có giá trị pháp quy trong chuẩn bị nguồn lực lao động thông thạo tiếng Nhật. Ai lo đào tạo tiếng ? Ai lo đào tạo nghề và ai sẽ điều phối các cơ chế, chính sách, tạo một môi trường đào tạo-tuyển dụng thực sự bài bản. Tránh tình trạng đào tạo ra, lại không thích nghi; các em thạo yêu cầu này, nhưng đòi khỏi khác – có khi rất cần – lại chung chung chung. Như giỏi tiếng Nhật nhưng chưa thạo một nghề để sử dụng hiệu quả vốn tiếng Nhật đó, hoặc biết nghề rồi (chẳng hạn kỹ sư CNTT, lập trình viên, hướng dẫn viên) nhưng lại không có đủ năng lực tiếng Nhật để hành nghề tại các doanh nghiệp Nhật, hay phục vụ du khách Nhật. Hoài vọng rằng, quyết tâm của lãnh đạo TP Đà Nẵng ngay từ đầu năm 2015, chính là tác nhân thúc đẩy các “NHÀ” ngồi lại với nhau, đi đến một cơ chế hợp tác, đón đầu và sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi về nguồn lực trước cơ hội phát triển mới của Đà Nẵng và cả vùng.

 

Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng trên lộ trình khẳng định là Trung tâm đào tạo và khảo thí Nhật ngữ khu vực miền Trung-Tây Nguyên.                                           - Ảnh: T.N

(ảnh trên: Các thí sinh làm thủ tục vào phòng thi JLTP sáng nay ; ảnh tiếp theo: Chuẩn bị bước vào giờ G:nhận đề và làm bài)

 

Nhằm tăng cường đội ngũ Giảng viên cho ngành tiếng Nhật, Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng cũng đã cử cán bộ giảng dạy sang tu nghiệp tại Nhật. Đến nay đã có 1 nghiên cứu sinh bảo vệ xong luận án và được công nhận học vị Tiến sỹ, trở về khoa để giảng dạy; 2 giảng viên khác của Trường hiện đang được đào tạo và làm nghiên cứu tại Nhật. Ngoài ra, đến năm 2016, trường sẽ có thêm 3 Thạc sỹ ngôn ngữ Nhật.

T.Ngọc thực hiện

Theo ictdanang.vn