Đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh với thị trường lao động quốc tế: Nhà trường - Địa phương - Doanh nghiệp càng phải gắn kết hợp tác bền vững (kỳ 1)

Đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh với thị trường lao động quốc tế: Nhà trường - Địa phương - Doanh nghiệp càng phải gắn kết hợp tác bền vững (kỳ 1)

Updated : 2014/11/10

“Quan hệ Nhà trường với Địa phương (ĐP) và Doanh nghiệp (DN)” là chủ đề phiên Hội nghị vừa diễn ra hôm 7/11/2014 do trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tổ chức. Đây cũng là một trong những hoạt động của Nhà trường hướng về dịp kỷ niệm 20 năm thành lập ĐH Vùng, ĐH Đà Nẵng.

 
Tham luận của ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo-Bồi dưỡng (ĐH Quảng Nam) về công tác liên kết đào tạo giữa ĐH Ngoại ngữ - thành viên ĐH Đà Nẵng - và ĐH Quảng Nam.                                                                                 - Ảnh: T.Ngọc.

 

Đặc biệt, trước khi diễn ra Hội nghị này; thông tin về "Thực trạng mất cân bằng Hướng dẫn viên (HDV) Du lịch (DL) chuyên ngữ đã và đang gây nhiều trở ngại cho sự phát triển của hoạt động DL Đà Nẵng” (được công bố tại một Hội thảo khác) đã “làm nóng” hơn sự quan tâm của công luận. Nhiều giải pháp đã được đưa ra và điểm gặp nhau của các góp ý càng khẳng định: Đã đến lúc vấn đề đào tạo nguồn lực phải đặt trong mối tương quan trách nhiệm của 3 Nhà: Nhà trường (lò đào tạo) – Cơ quan Nhà nước (Chính quyền ĐP; Sở-Ban, ngành chức năng) và Nhà tuyển dụng, sử dụng sản phẩm từ lò đào tạo (DN).

ICTDANANG lần lượt giới thiệu cùng độc giả 2 kỳ của bài viết bàn sâu về vấn đề vì sao ? và làm thế nào ? gắn kết hợp tác bền vững giữa Nhà trường – ĐP – DN. Dưới đây là kỳ 1.

ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 709/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 26 tháng 8 năm 2002, là "một ĐH chuyên ngành Ngoại ngữ, có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về trình độ Ngoại ngữ, đồng thời là Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài, đáp ứng nhu cầu giáo dục, đối ngoại, giao lưu, hợp tác quốc tế, góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng, các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước".

Đến nay, nhà trường đang triển khai đào tạo 1 chuyên ngành Tiến sĩ, 2 chuyên ngành Thạc sĩ, 20 chuyên ngành ĐH thuộc 7 khoa: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật-Hàn-Thái, tiếng Anh chuyên ngành và Khoa Quốc tế học. Toàn trường hiện có 6.033 SV hệ chính quy, 637 học viên VLVH, 205 học viên cao học, 10 NCS đang theo học và nghiên cứu.

Đội ngũ Giảng viên (GV) gồm 245 người với 75% có trình độ sau ĐH được đào tạo tại các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài. Nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 chọn là 1 trong 5 Trung tâm Ngoại ngữ khu vực triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đề án, thông qua đó, đã giúp cho việc liên kết đào tạo của Nhà trường được mở rộng đến hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.

Hội nghị “Quan hệ Nhà trường với ĐP và DN” do vậy đã thu hút sự quan tâm của Lãnh đạo Lãnh sự Liên bang Nga, Lãnh sự CHDCND Lào tại Đà Nẵng; Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Đà Nẵng ; đại diện lãnh đạo các Trường ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Quảng Nam, CĐ Sư phạm Gia Lai; Lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo và Trung tâm giáo dục thường xuyên TP Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, KonTum, Đăclăk, Đăk Nông, Bến Tre. Đặc biệt là lãnh đạo các Công ty, DN, các đơn vị liên kết với trường …Thay mặt lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, Giáo sư.Tiến sỹ Trương Bá Thanh đã dự phát biểu cùng Hội nghị.

-Ảnh trên: Vườn tượng danh nhân trong khuôn viên nhà trường. -Ảnh: T.Ngọc.


Sẵn sàng cho một xu thế tất yếu của giáo dục – đào tạo: Chuẩn bị con người cho hội nhập và cạnh tranh

“Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và đặc biệt việc các nước Asean hội nhập trở thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 ; cùng với việc chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế và sự giao lưu giữa ngày càng mạnh mẽ của các quốc gia, đã đưa đến khả năng đòi hỏi cao hơn và sự chuyển dịch về nguồn lao động như một yêu cầu bắt buộc nhưng mang tính quy luật.

Tiến sỹ Trần Hữu Phúc,
Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ.
-Ảnh: T.N

Chính vì vậy, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Nhà trường với ĐP với các DN trong và ngoài nước ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tuyển dụng là vô cùng quan trọng đối với các cơ sở giáo dục ĐH. Đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh với thị trường lao động quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là một trong các tiêu chí để đánh giá kiểm định chất lượng trường ĐH” – Tiến sỹ Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH TƯ Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng đã và đang nỗ lực triển khai kế hoạch hành động của Nhà trường nói riêng ; thực hiện chiến lược phát triển nói chung của toàn ĐH Đà Nẵng. Đặc biệt, là đẩy mạnh phân tầng đào tạo ĐH, tiếp tục thực hiện phân luồng đào tạo sau ĐH và nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo chất lượng cao.

Theo Tiến sỹ Dương Quốc Cường - Phó Hiệu trưởng Nhà trường,ĐH Ngoại ngữ xác định vẫn phải tiếp tục đổi mới quản lý, rà soát chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng CNTT, ứng dụng các phần mềm xây dựng nhiều khóa học on-line của các Khoa, ngành và chuyên ngành. Đến nay Nhà trường đã xây dựng “Chiến lược ứng dụng CNTT trong giảng dạy giai đoạn 2015-2020”. Song song, cải tiến quy trình và các phương thức, nội dung đánh giá, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Còn theo Tiến sỹ Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong GV-Cán bộ viên chức và SV trong những năm gần đây đã trở thành một thế mạnh của Nhà trường. Và hoạt động này đã đạt được những thành công đáng kể. Số lượng GV, các nhà khoa học của trường công bố các công trình nghiên cứu khoa học; công bố các bài báo trên các Tạp chí chuyên ngành trong nước; quốc tế ngày càng tăng.

Đoàn TN Nhà trường tiếp sức cho các bạn SV nghèo, vượt khó, học giỏi ngay đầu năm mới.                                                                                            -Ảnh: T.Ngọc.

 

Nhà trường đã chủ động và tích cực phối hợp để tổ chức nhiều hội thảo lớn như: Hội thảo quốc gia “Diễn ngôn, Tri thức và Văn hoá”; Hội thảo “Ngữ học toàn quốc”; “Xây dựng Chương trình bồi dưỡng GV tiếng Anh và Đào tạo và bồi dưỡng GV tiếng Anh bậc tiểu học khu vực Miền Trung - Tây Nguyên”; Hội thảo quốc tế “Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành trong thời đại hội nhập quốc tế”; “Đào tạo Ngoại ngữ căn bản và chuyên ngành ở các trường ĐH và CĐ” ; Hội thảo Quốc tế lần III về Giảng dạy tiếng Anh cho người không bản ngữ; Hội thảo Quốc tế Glocall “Ứng dụng công nghệ trong dạy và học Ngoại ngữ 2013”…

Đây chính là cơ hội nghiên cứu, trao đổi học thuật cho cán bộ, GV và nguồn tài liệu có hàm lượng trí tuệ cao của các Hội thảo trở thành “nguồn lợi vô giá” mà chính SV, học viên, NCS của Nhà trường thụ hưởng.

Ngoài ra, với các chương trình đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài (Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan,...), Nhà trường cũng đã tạo cơ hội để sinh viên hội nhập vào môi trường nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật ngay tại trường, viện mà các em đến học.

Với mỗi phiên hội thảo, mỗi diễn đàn học thuật đã tạo ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp đối với cộng đồng các nhà khoa học trong nước và trên thế giới về Nhà trường và đội ngũ Thầy-Trò của Trường.

Nhà trường đã xây dựng “Chiến lược ứng dụng CNTT trong giảng dạy giai đoạn 2015-2020.

Ảnh trích từ slide báo cáo Tiến sỹ Dương Quốc Cường - Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

 

Gần hơn với DN ; hiểu hơn nhu cầu của ĐP

Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo (trang bị được hệ thống nhiều phòng học ngoại ngữ hiện đại, phòng học tiếng, phòng máy và phòng tổ chức khảo thí năng lực ngoại ngữ - cơ sở đảm bảo cho việc phát triển và khẳng định vị trí của một trung tâm vùng của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) và nghiên cứu; ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cũng song song đẩy mạnh việc liên kết với ngành giáo dục các ĐP, hợp tác với các DN trong đào tạo và tuyển dụng. Nhà trường đã cử nhiều đoàn cán bộ, GV, SV đến tham quan, thực tập, kiến tập tại các DN trong và ngoài nước; các bộ môn, khoa trong toàn trường đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến phản hồi từ các DN và cựu SV...

Đội tuyển SV Nhà trường tham dự vòng chung kết cấp khu vực Olimpic tiếng Anh và đã giành giải Nhất, chính thức nhận vé tham dự vòng chung kết cấp quốc gia 2014. -Ảnh: T.Ngọc.

Hiệu trưởng Nhà trường, Tiến sỹ Trần Hữu Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận: Hiện Nhà trường đã áp dụng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ chuyên môn và ngoại ngữ 2 cho SV chính qui của trường trước khi tốt nghiệp theo CV 1774/ Đề án NNQG. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của các “sản phẩm đào tạo đặc thù” mà Nhà trường chịu trách nhiệm là môi trường không như những năm đã qua. Chúng tôi ý thức rõ, tính cạnh tranh hết sức gay gắt, bởi yêu cầu của thị trường lao động đang ngày càng khắt khe. Nếu không có đủ năng lực, không tỏ rõ một thực tài, các cử nhân ngoại ngữ vẫn bị loại ra khỏi một chương trình tuyển dụng.

Tổ chức Hội nghị “Quan hệ Nhà trường với Địa phương và Doanh nghiệp”, Nhà trường gửi gắm nhiều tâm huyết và mong muốn nhận được những chia sẻ về thuận lợi và khó khăn của SV tốt nghiệp bậc ĐH của Trường ĐH Ngoại ngữ khi tham gia vào thị trường lao động; Những kỹ năng thực tiễn cần trang bị cho một SV tốt nghiệp bậc ĐH để đáp ứng nhu cầu thực tế của công việc ; Việc triển khai “Học kỳ DN” thế nào là khả thi và hiệu quả ? Tham vấn của các Nhà tuyển dụng về mức độ đáp ứng của SV tốt nghiệp bậc ĐH các chuyên ngành ngoại ngữ hiện nay; Giải pháp kết hợp giữa Nhà trường và DN trong nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội ?.

Nguồn: http://www.ictdanang.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=9043:dap-ung-nhu-cau-hoi-nhap-va-canh-tranh-voi-thi-truong-lao-dong-quoc-te-nha-truong-dia-phuong-doanh-nghiep-cang-phai-gan-ket-hop-tac-ben-vung-&catid=89:dao-tao-nguon-nhan-luc&Itemid=61