Đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh với thị trường lao động quốc tế: Nhà trường - Địa phương - Doanh nghiệp càng phải gắn kết hợp tác bền vững (kỳ 2)

Đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh với thị trường lao động quốc tế: Nhà trường - Địa phương - Doanh nghiệp càng phải gắn kết hợp tác bền vững (kỳ 2)

Updated : 2014/11/10

Thông điệp của Lãnh đạo ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tại buổi gặp gỡ, tọa đàm “Quan hệ Nhà trường với ĐP và DN” (mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu đến độc giả kỳ 1) đã nêu rõ: Chiến lược phát triển trong những năm đến của nhà trường là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với ĐP và DN thiết thực và hiệu quả hơn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển của nhà trường. ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà nẵng) cam kết sẽ tiếp tục giữ vững học hiệu và nâng cao chất lượng đào tạo của trường ; cung cấp những “sản phẩm” đào tạo đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, DN; cung cấp dịch vụ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của các ĐP; đáp ứng yêu cầu của xu thế hội nhập. Đồng thời, không ngừng đề ra những giải pháp quyết liệt và hiệu quả để thực hiện thành công những mục tiêu trên. Nhà trường mong muốn các ĐP và DN cùng chung tay, cộng đồng trách nhiệm với nhau, thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết Nhà trường – ĐP – DN.

Tiến sỹ Dương Quốc Cường-Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) thay mặt Lãnh đạo Nhà trường trao Giấy khen, phần thưởng đến các bạn SV có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện năm học 2013-2014 tại Lễ Khai giảng năm học mới 2014-2015.                                                                                 -Ảnh: T.Ngọc.

 

Trong kỳ 2 của bài viết: , chúng tôi tiếp tục bàn về mô hình liên kết Nhà trường – ĐP – DN qua các góc nhìn đa dạng, khách quan hơn từ trong và ngoài Hội thảo.

Góc nhìn từ DN, từ ĐP về nguồn lực ngày mai

Ông Võ Hoàng Thông (Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Công nghiệp Nặng Doosan Vina): Các bạn SV học thật chuyên, thật giỏi một ngoại ngữ ; rèn các kỹ năng, mà quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp.

Đây cũng là trăn trở của nhiều lãnh đạo nhân sự đối với Lao động Trẻ: Yếu ngoại ngữ-Nghèo kỹ năng.

-Ảnh: T.Ngọc.    

Hoan nghênh thiện chí của Lãnh đạo Trường trong quyết tâm thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết Nhà trường – ĐP – DN, ông Võ Hoàng Thông (Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Công nghiệp Nặng Doosan Vina) chia sẻ: Có lẽ, chưa lúc nào nhà trường khổ tâm, khổ trí như hiện nay. Vừa lo dạy (kiến thức), lo đào tạo (kỹ năng), bày vẽ (kinh nghiệm) cho SV ; lại vừa lo đầu ra (liên hệ tìm nơi thực tập, nơi làm việc cho các em khi ra trường).

Theo ông Thông, các bạn SV cần chia sẻ “nỗi khổ” này của các Thầy, các Cô. Mà chia sẻ thiết thực nhất là học thật chuyên, thật giỏi một ngoại ngữ mà chính mình đã chọn khi thi vào Trường. Bên cạnh đó, phải rèn các kỹ năng, mà quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp.

Bởi với môi trường công việc nào, một cá nhân chỉ là một yếu tố, một mắc xích nhỏ trong cả một dây chuyền, hệ thống. Cá nhân phải tương tác với nhiều bộ phận, lĩnh vực để vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình ; vừa giúp đỡ đồng nghiệp, cộng sự cùng hoàn thành nhiệm vụ. Yếu về giao tiếp, cá nhân sẽ khó hòa nhập vào môi trường công việc luôn cần trao đổi, hỗ trợ, sẻ chia. Đơn giản nhất, đôi khi nói ra điều gì đó mà người nghe không hiểu, không sẻ chia được theo yêu cầu. Đó là điểu tối kị.

Trở lại với một chủ đề mà ICTDANANG đã từng đề cập (chủ đề nằm ngoài Hội nghị trên đây nhưng lại nằm trong mục tiêu và mong đợi của mô hình liên kết Nhà trường – ĐP – DN), đó là "Thực trạng mất cân bằng HDV DL chuyên ngữ đã và đang gây nhiều trở ngại cho sự phát triển của hoạt động DL Đà Nẵng”.

Như chúng tôi đã đề cập trong các số báo trước, theo công bố của cơ quan quản lý chuyên ngành, trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 1.612 HDVDL nội địa lẫn quốc tế, chiếm 10,5% trên tổng số HDVDL nước.

Trong 916 HDV quốc tế, thì chiếm đa phần là HDV tiếng Anh (440 người). Ngoài HDV Trung quốc tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây (từ 43 HDV năm 2010 tăng lên 192 HDV năm 2014), thì đội ngũ HDV tiếng Hàn chỉ có 4 người, Nhật Bản có 41 người, Thái là 18 người và Lào chỉ có 1 HDV.

Điều này đang khá mâu thuẫn khi top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng nằm ở khu vực Đông bắc Á, dẫn đầu là Trung quốc, Hàn quốc và Nhật Bản. Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và DL TP Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường đã phải thốt lên:

80% chất lượng Tours phụ thuộc vào năng lực của HDV. Do đó, để giữ vững thị trường cũ và mở rộng thị trường mới, Ngành chúng tôi, đang tìm mọi cách để củng cố lại đội ngũ HDV theo hướng tinh thông và chuyên nghiệp hơn, đồng thời tăng cường hợp tác đa chiều nhằm phát triển thêm đội ngũ HDVDL các chuyên ngữ còn quá hiếm.

 

Du khách thuộc top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng thăm đường hoa Bạch Đằng Xuân Quý Tỵ. Bao giờ thì tình trạng khan hiếm HDVDL tiếng hiếm được cải thiện ?. -Ảnh: T.Ngọc.

 

Chúng tôi trở lại với đề tài này bởi lẽ, việc giải bài toán mất cân bằng HDVDL chuyên ngữ rõ ràng đang trông chờ vào các yếu tố:

*Vai trò của cả xã hội (bao hàm gia đình, bạn bè, người thân ; cơ quan Truyền thông; nhà trường các bậc học phổ thông) trong công tác định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ các em học sinh cuối cấp phân luồng, chọn ngành học hợp lý.

Nhiều DN đã tận tình chia sẻ với Nhà trường gánh nặng đào tạo thông qua hỗ trợ học bổng (ảnh) ; tài trợ các sự kiện phục vụ đào tạo ; tiếp nhận SV đến thực tập. -Ảnh: T.Ngọc.

*Vai trò của ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) trong đào tạo (theo nhiều hình thức: chính quy ; vừa học-vừa làm) để cân đối lại lực lượng HDVDL chuyên ngữ. Nhà trường hoàn toàn có thể dự báo đón đầu nhu cầu nguồn lực và phân luồng đầu vào.

*Vai trò của ĐP (ở đây là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành), trong chủ động “đặt hàng” với lò đào tạo ; có nghiên cứu dự báo dài hơi và liên thông chia sẻ cùng Nhà trường về dự báo này.

*Và vai trò của rất quan trọng của DN khi tham gia vào quy trình đào tạo này.

Tham dự Hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm Dịch vụ - Du lịch Quốc tế” (diễn ra hôm 25/10 vừa qua) với tư cách là một diễn giả; Tổng giám đốc Tập đoàn Indochina Capital, ông Peter R. Ryder trong tham luận “Giải pháp xây dựng các điểm đến cho du khách nước ngoài tại Đà Nẵng”, đã lưu ý rằng, trong nhóm các giải pháp, phải quan tâm ở mức độ “tập trung” đối với giải pháp “Phát triển nguồn nhân lực”.

“Với hơn 15.000 phòng khách sạn tại khu vực Đà Nẵng/Huế/Hội An, và sự tăng trưởng lượng khách quốc tế hơn 200.000 trong vòng 5 năm tới, việc phát triển nguồn nhân lực bao gồm đào tạo nghề và ngoại ngữ cho nhân viên đóng vai trò quan trọng thiết yếu.

Việc thành lập thêm nhiều trường đào tạo nghề hiệu quả cao, trong đó hỗ trợ SV vay vốn trả học phí và cho phép họ hoàn vốn khi đã có việc làm ổn định trong ngành du lịch là một giải pháp dài hạn nhằm cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ trong vùng và giúp ngành du lịch ngày càng tăng cao danh tiếng và lợi nhuận kinh tế” - ông Peter R. Ryder nhấn mạnh.

Và thực trạng thiếu HDVDL tiếng hiếm đã cho thấy “nguồn nhân lực bao gồm đào tạo nghề và ngoại ngữ cho nhân viên đóng vai trò quan trọng thiết yếu”.

Cũng là nhà nghiên cứu có tham luận được chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo nói trên, GV Thu Giang (GV khối ngành Kinh tế - Trường CĐ Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng thuộc Bộ NN & PTNT) đã có đề xuất khá cụ thể với các DN dịch vụ DL – những đơn vị sẽ sử dụng chính sản phẩm từ nhà trường.

Theo đó, chính DN phải xác định lại mục tiêu, căn cứ và các bước xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ nhân viên theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề của Công ty mình. Mà muốn vậy thì phải đổi mới tư duy và nhận thức, quan điểm của chính lãnh đạo DN về công tác đào tạo theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề DL Việt Nam.

Lãnh đạo DN cần nghĩ đến biện pháp hữu hiệu nhất để nhân rộng đội ngũ đào tạo viên ngay trong đơn vị (nhân viên giỏi-nhân viên có kinh nghiệm thực tiễn rất phong phú -nhân viên có khả năng truyền lửa-nhân viên đã qua nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ).

Bởi họ chính là người có đủ năng lực duy trì chuẩn tay nghề và phát triển, nâng cao tay nghề cho đội ngũ. Ngoài ra, lãnh đạo DN phải tạo động lực cho đội ngũ nhân viên của Công ty khi tham gia các chương trình đào tạo cụ thể, rất cần thiết và rất nên có các chính sách, chế độ đãi ngộ cho những nhân viên-HDV tích cực tham gia quá trình đào tạo, hay tự học tập, tự nâng cao năng lực.

Cô Thu Giang-Giảng viên khối ngành Kinh tế, trường CĐ Lương thực-Thực phẩm Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn.

Tác giả tham luận khoa học: "Đà Nẵng – Phát triển nguồn nhân lực Du lịch với tiêu chuẩn kỹ năng Nghề Du lịch Việt Nam (VTOS)" tại Hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm Dịch vụ - Du lịch Quốc tế” (diễn ra hôm 25/10 vừa qua).

-Ảnh: T.Ngọc.

“Tôi cho rằng, bước phối kết hợp với các tổ chức đào tạo bên ngoài Công ty (Nhà trường bậc CĐ-ĐH, hay một trường Nghề chẳng hạn) để xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kỹ năng Nghề DL Việt Nam là hết sức quan trọng.

Thậm chí DN phải chủ động và tích cực trong hợp tác với các cơ sở đào tạo nhằm hỗ trợ, tài trợ cho một số dự án đào tạo phát triển nhân lực DL mà cơ sở đào tạo đó đang triển khai, hoặc triển khai theo đặt hàng từ một DN. Trong tầm nhìn xa của lãnh đạo DN, không thể thiếu chính sách thích hợp để tạo môi trường học tập thực tế, sẵn sàng đón SV của các cơ sở đào tạo có liên quan về DL trên địa bàn đến ngay DN mình để thực tập”.

Quan điểm trên cho thấy, nguồn lực ngày mai của DN, phải được ươm mầm từ ghế giảng đường và lớn dần thành cây từ thực tế thực tập, nghiên cứu gắn với thực tiễn của hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng ứng dịch vụ.

Cũng trong tham luận của mình, Giảng viên Thu Giang phân tích thêm:

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội cả nước hiện có 284 cơ sở tham gia đào tạo DL, gồm 62 trường ĐH, 80 trường CĐ (trong đó có 8 trường CĐ Nghề), 117 trường trung học chuyên ngành (có 12 trường Nghề).

Nhìn chung, chương trình, giáo trình đào tạo ở các trường đã từng bước được chuẩn hóa, khắc phục phần nào tình trạng dạy "chay," học "chay." Tuy nhiên, hầu như mỗi GV , mỗi cơ sở đào tạo chỉ cố gắng vận dụng những gì có sẵn để phục vụ đào tạo, mà chưa có chương trình thống nhất mang tính chuyên nghiệp.

Dưới góc độ giữa các cơ sở đào tạo, vẫn còn sự chênh lệch về chất lượng đào tạo nhân lực chuyên ngành DL giữa các trường nghề với các trường không thuộc khối này, giữa các trường công lập, với trường ngoài công lập.

 

Nguồn lực ngày mai của DN, phải được ươm mầm từ ghế giảng đường và lớn dần thành cây từ thực tế thực tập, nghiên cứu gắn với thực tiễn của hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng ứng dịch vụ.                                                                    -Ảnh: T.Ngọc.

 

Dễ thấy nhất là độ vênh trong tiêu chuẩn bằng cấp giữa HDVDL quốc tế và nội địa.

Nếu muốn trở thành HDVDL quốc tế, SV phải hội tụ đủ nhiều điều kiện trình độ ĐH, có bằng tiếng Anh chuyên ngành DL. Trong khi đó, HDVDL nội địa chỉ cần tốt nghiệp THPT, học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn 3 tháng hay 6 tháng về nghiệp vụ DL.Rõ ràng, cần phải thống nhất các tiêu chí về đào tạo nguồn nhân lực cho một chuyên ngành kinh tế rất đặc thù. Muốn có được lượng SV tốt nghiệp đồng đều về trình độ, năng lực; đảm bảo đáp ứng được đòi hỏi của công việc, chính Ngành DL (bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước và DN) phải hợp tác cùng nhau đưa ra các tiêu chí chung về đào tạo.

Đây là cơ sở để các trường dựa vào đó mà hoàn chỉnh nội dung đào tạo. Và sau này, sản phẩm của cả quá trình đào tạo đi tìm việc làm sẽ không chịu tai tiếng “dạy cái gì mà không dùng được; cái cần thì không dạy, dạy cái không cần, toàn lý thuyết suông, không có kỹ năng thực hành”.

Từ các phân tích trên đã cho thấy, để Nhà trường làm tốt vai trò đào tạo, không chỉ DN, mà ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cấp địa phương, cấp Bộ và cao hơn nữa phải “nhận thấy vai trò và lợi thế của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển của ngành DL nói riêng và sự phát triển kinh tế đất nước nói chung, sớm có những giải pháp cụ thể để phát triển bền vững nguồn nhân lực”.

 
Nguồn: http://www.ictdanang.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=9044:dap-ung-nhu-cau-hoi-nhap-va-canh-tranh-voi-thi-truong-lao-dong-quoc-te-nha-truong-dia-phuong-doanh-nghiep-cang-phai-gan-ket-hop-tac-ben-vung-ky-2&catid=89&Itemid=61