Dạy - học ngoại ngữ trong “môi trường tiếng”

Dạy - học ngoại ngữ trong “môi trường tiếng”

Updated : 2019/02/28

Đều đặn hàng tuần, Nguyễn Hoa Hậu (SV năm 3 lớp cử nhân Nga 16CNN01) cùng với các bạn là thành viên CLB tiếng Nga của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng có một buổi sinh hoạt chung với một số gia đình người Nga đang sinh sống tại Đà Nẵng. Tạo môi trường tiếng thực tế để SV giao tiếp đang là cách thức hiệu quả để cải thiện kỹ năng nghe - nói, tăng sự tự tin, năng động cho SV nhằm nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ.

Để tiếng hiếm không còn là tiếng khó
 
Cô SV Nguyễn Hoa Hậu kể: “Thời gian đầu mới tham gia CLB tiếng Nga, có những hôm chỉ có nghe không thôi mà em còn không theo kịp chứ chưa nói đến phản ứng nói. Mấy cô người Nga nói 10 từ thì em chỉ nghe được khoảng 4 từ, vì họ nói nhanh và lướt chứ không nói chậm như thầy cô khi giảng bài. Giờ thì kỹ năng nghe - nói của em đã cải thiện được rất nhiều, đã có thể tự tin khi trò chuyện, giao lưu với các gia đình người Nga tham gia CLB tiếng Nga của trường”. Với đa phần SV ngoại tỉnh, những bỡ ngỡ, thiếu tự tin của V khối ngành ngoại ngữ thường rất lớn, nhất là kỹ năng nghe - nói thường hạn chế. Với SV học tiếng Nga như Hậu thì sự cố gắng càng phải nhiều hơn nữa bởi hầu hết các bạn chưa từng học qua tiếng Nga ở phổ thông và cũng không có trung tâm để học thêm.
 
Một buổi sinh hoạt của SV khoa tiếng Nga với một số gia đình người Nga đang sinh sống tại Đà Nẵng
 
TS. Nguyễn Văn Hiện - Trưởng khoa tiếng Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng chia sẻ: Dù tiếng Nga hiện được xem là ngoại ngữ tiếng hiếm ở Việt Nam, nhưng SV không khó khăn về tài liệu học tập, chỉ cần SV biết cách tìm kiếm thì sẽ tiếp cận được rất nhiều tài nguyên trên mạng để học và tham khảo. “Thế nhưng, trong thế giới ảo, dường như SV đang bội thực về kiến thức, người học sẽ không biết học từ đâu và vận dụng nó vào các tình huống cụ thể như thế nào. Để gắn việc dạy- học tiếng Nga vào môi trường tiếng thực tế, khoa tiếng Nga đã tổ chức CLB tiếng Nga nhằm tạo điều kiện cho SV giao lưu với các gia đình người Nga đang sinh sống tại Đà Nẵng. Thông qua những buổi sinh hoạt như thế, SV sẽ có cơ hội thực hành tiếng trong môi trường ngoài lớp học, với những nội dung gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với nhiều đối tượng khác nhau, từ trẻ nhỏ đến người lớn. Ngoài ra, SV có cơ hội thực hành tiếng với người bản xứ thông qua tương tác với các giảng viên tình nguyện tại trường. Từ môi trường tiếng thực này, các giảng viên sẽ hiểu được người học đang thiếu gì, yếu gì để có thể điều chỉnh, bổ sung trong quá trình dạy học”, TS. Nguyễn Văn Hiện cho biết.
 
Giao tiếp với người bản địa giúp sinh viên tự tin, năng động
 
Muốn giao tiếp bằng ngoại ngữ tốt, SV phải có kỹ năng và vốn kiến thức nền chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức tiếng. Chính vì vậy, tạo môi trường tiếp xúc với các gia đình người Nga đang sinh sống tại Đà Nẵng, theo thầy Hiện, là một cách để SV tiếp xúc với văn hóa Nga cũng như phong cách của người Nga. Đây sẽ là những hỗ trợ rất thiết thực ngoài những kiến thức nền tảng mà SV được trang bị trong chương trình đào tạo. Thời gian thực tập ở năm thứ 4 của SV khoa Nga được “đôn” lên, thay vì tháng 3 như SV toàn trường thì sẽ đi thực tập vào tháng 12 vì “dịp Tết dương lịch, lượng khách Nga đến du lịch tại Bình Thuận, Nha Trang là rất lớn, SV vì vậy có cơ hội tích lũy kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp hơn.
 
Dạy - học theo dự án
 
Những bài học trong giờ giảng của TS. Nguyễn Thị Giao Chi - Trưởng khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng thường gắn với thực tiễn sinh động. Trong một môn học kéo dài 8 tuần thì cô cho SV đi thực địa 2 tuần, lúc về các em sẽ làm bài thuyết trình theo nhóm để hình thành kỹ năng làm việc nhóm, học tính phán đoán… Nhờ đó kiến thức SV nắm được đôi khi đi xa hơn bài giảng. Cô luôn hướng cho SV chủ động trong việc học, để các em thấy mình được tôn trọng, có nhiều kỹ năng thực tế. Tùy theo từng môn học, SV có thể sẽ tham gia đóng kịch, diễn xuất hoặc như làm clip dẫn hiện trường… SV vì vậy sau khi ra trường vẫn nhớ bài học của mình trên lớp, bởi các em là nhân tố làm nên bài học chứ không phải là người ngồi chờ đợi ở giảng viên.
 
“Từ những hoạt động học tập chủ động như làm đề án, mô phỏng đóng vai, người học được tiếp xúc với tình huống học tập mà buộc các em phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. SV không chỉ học được kiến thức và năng lực ngôn ngữ mà còn tiếp cận nắm bắt và rèn luyện về kỹ năng giải quyết vấn đề, những kiến thức về văn hóa xã hội, nhận thức đa văn hóa. Chính từ hoạt động nhóm SV có thể tương tác với thực tế bên ngoài, rèn luyện những kỹ năng mềm. Bài học gắn liền với thực tế xã hội cùng với tư duy, sáng tạo, phỏng đoán sẽ giúp cho SV tích lũy những năng lực cần thiết để thích ứng tốt với mội trường làm việc”, - cô Giao Chi cho biết.
                                                Hà Nguyên (Báo Giáo dục & Thời đại)