Học giỏi Ngôn ngữ Nhật để … học tính kỷ luật của văn hóa Nhật!

Học giỏi Ngôn ngữ Nhật để … học tính kỷ luật của văn hóa Nhật!

Updated : 2016/12/04

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hương, quê ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, SV năm thứ III, ngành Đông Phương học, trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã trả lời ngay như trên, khi chúng tôi hỏi: Điều gì thuộc về tinh hoa văn hóa Nhật, tinh thần Nhật đã thực sự thấm sâu trong bạn, kể từ khi bạn học ngôn ngữ Nhật cho đến nay?

Ngọc Hương là một trong 3.733 thí sinh tham dự kỳ thi Năng lực tiếng Nhật (JLPT) hàng năm, diễn ra sáng nay (4/12/2016) tại trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng); cùng thời gian này JLPT còn diễn ra tại ĐH Hà Nội; ĐH Ngoại ngữ – ĐH quốc Gia Hà Nội; và Trung tâm Ngoại ngữ- ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh.

Đúng 9g sáng nay (4/12/2016), các thí sinh bắt đầu làm bài thi (ảnh chụp tại điểm thi ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng)

 

Kỳ thi được tổ chức rất nghiêm túc, các quy định tương đương kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của chúng ta.
 
Tại ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) số lượng thí sinh tham dự JLPT lần II của năm 2016, được ghi nhận là đông nhất từ khi cuộc thi được tổ chức ở điểm thi duy nhất ở miền Trung.
 
Các thí sinh dự thi đến từ Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,… và có cả thí sinh từ TP Nha Trang. Đối tượng thí sinh rất đa dạng, từ các em học sinh bậc trung học đến sinh viên các trường ĐH-CĐ và cả thí sinh là người đã và đang đi làm.
 
JLPT là kỳ thi được Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật bản (The Japan Foundation) đứng ra tổ chức tại Nhật Bản và 1 số quốc gia trên thế giới như Việt Nam, Trung Quốc, … để đánh giá và cấp chứng nhận năng lực tiếng Nhật cho những người học tiếng Nhật không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, kỳ thi được định kỳ tổ chức hàng năm 2 lần vào đầu tháng 7 và đầu tháng 12.
 
Từ năm 2012, kỳ thi được tổ chức 2 lần/năm vào tháng 7 và tháng 12 tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh.
 
Thí sinh Ngọc Hương cho biết, bạn học tiếng Nhật ở một Trung tâm Gia sư, lịch học mỗi tuần 3 buổi. Tuy nhiên, chuẩn bị cho kỳ thi này, Hương đã gia tăng thời lượng lên 5 buổi. Hương chia sẻ: Em đi từng bước, cho chắc. Lần này, em sẽ chứng chỉ cấp N5, đến kỳ thi tháng 7/2017, em sẽ lấy N4, cứ như thế cho đến khi em cầm trên tay chứng chỉ cấp N1. Theo em, trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là việc giao lưu văn hóa, hợp tác giữa Việt Nam với nhiều quốc gia, ngày càng rộng mở.
 
Trong đó, với Nhật, Việt Nam chúng ta có rất nhiều hoạt động hợp tác. Doanh nghiệp Nhật đến đầu tư tại Đà Nẵng, miền Trung nói riêng, Việt Nam nói chung mỗi ngày một nhiều hơn…Em cho rằng, nếu có điều kiện, các bạn trẻ nên có 2 bằng/Chứng chỉ ngoại ngữ. Như vậy sẽ tự tin hơn khi gia nhập thị trường lao động.
 
“Tiếng Nhật khó và rất khó. Học tiếng Nhật phải kiên trì và có đam mê riêng …Không chỉ âm đọc, về ngữ nghĩa, ngôn ngữ Nhật thuộc loại khó. Người học không xác định mục tiêu của việc phải học tiếng Nhật sẽ khó thành công. Riêng mình, em rất thích cách biểu đạt âm giọng của tiếng Nhật, do vậy việc học tiếng Nhật đối với em cũng khá thuận lợi. Em thường luyện nghe (tiếng Nhật) trên điện thoại của mình. Ngoài ra, học thêm một ngôn ngữ, mình cũng biết thêm một nền văn hóa, những tập tục, nếp sống…Văn hóa Nhật, có nhiều nét tương đồng với Văn hóa Việt chúng ta” – Hương phân tích.
Học giỏi Ngôn ngữ Nhật để … học tính kỷ luật của văn hóa Nhật" - bạn Ngọc Hương chia sẻ
 
 
Các cấp độ năng lực tiếng Nhật được công nhận tại kỳ thi JLPT và yêu cầu của mỗi cấp:
 
 
 
Đối với N1:
+ Đọc: * Có thể đọc các bài luận trên báo chí về các chủ đề đa dạng, đọc các bài văn phức tạp, mang tính lý luận, các bài viết có tính trìu tượng cao, hàm ý sâu sắc và nắm được cấu trúc như văn phong của tác giả.
* Có thể đọc hiểu các bài viết có nội dung về nhiều chủ đề, nắm được hàm ý câu chuyện và hàm ý diễn đạt.
+ Nghe: * Có thể hiểu chi tiết diễn biến câu chuyện, nội dung câu chuyện và mối quan hệ giữa các nhân vật và cấu trúc lý luận khi nghe các bài nói như hội thoại, tin tức, bài giảng ở các dạng.
 
Đối với N2:
+ Đọc:   * Có thể đọc đoạn văn có chủ đề rõ ràng, hiểu nội dung cốt lõi các bài báo, tạp chí, bài viết, các khái niệm và các chủ đề đa dạng.
* Có thể đọc các bài viết về các dạng chủ đề chung, hiểu được diễn biến câu chuyện và hàm ý diễn đạt.
+ Nghe: * Có thể nghe hiểu các tình huống thường ngày và các bài nói tự nhiên trong các tình huống đa dạng như hội thoại, tin tức, diễn biến câu chuyện, nội dung và nắm bắt được ý chính.
 
Đối với N3:
+ Đọc:  * Có thể đọc đoạn văn với nội dung cụ thể với các vấn đề hằng ngày
* Có thể nắm bắt một cách khái quát các thông tin từ tiêu đề báo chí.
* Có thể hiểu được các bài văn chương hơi khó trong các tình huống hàng ngày theo cách diễn đạt dễ hiểu hơn, nắm được các ý chính của bài viết.
+ Nghe: * Có thể hiểu nội dung cụ thể của câu chuyện cũng như mối quanh hệ giữa các nhân vật hội thoại về các chủ đề hàng ngày.
 
 
Đối với N4:
+ Đọc: Có thẻ hiểu các đoạn văn thường dùng trong cuộc sông hàng ngày với vốn từ vựng cơ bản.
+ Nghe: Có thể hiểu nội dung trong hội thoại trong tình huống nếu được nghe chậm.
Đối với N5:
+ Đọc: Có thể đọc hiểu cụm từ, câu, đoạn văn viết bằng  chữ hiragana, katakana, hán tự cơ bản thường dùng trong cuộc sống hàng ngày.
+ Nghe: Có thể nghe được thông tin cần thiết trong hội thoại ngắn, nói chậm trong các tình huống gặp hàng ngày như lớp học, cuộc sống xung quanh.
 
Nguồn ictdannang.vn