Hội thảo Biên soạn và Số hóa tài liệu giảng dạy ứng dụng Công nghệ Thông tin cho giáo viên Tiếng Anh từ bậc phổ thông đến bậc Đại học.

Hội thảo Biên soạn và Số hóa tài liệu giảng dạy ứng dụng Công nghệ Thông tin cho giáo viên Tiếng Anh từ bậc phổ thông đến bậc Đại học.

Updated : 2014/12/03

Ngày 30/11/2014, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Biên soạn và Số hóa tài liệu giảng dạy ứng dụng Công nghệ Thông tin cho giáo viên Tiếng Anh từ bậc phổ thông đến bậc Đại học” và Hội thảo “Xây dựng mô hình khảo thí trực tuyến”. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 100 thành viên là giáo viên Tiếng Anh các cấp thuộc khu vực miền Trung Tây Nguyên.



TS. Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, nhóm trưởng nhóm Tech Team - Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 phát biểu: “Hội thảo Biên soạn và Số hóa tài liệu giảng dạy ứng dụng Công nghệ Thông tin cho giáo viên Tiếng Anh và Xây dựng mô hình khảo thí trực tuyến được tổ chức là cần thiết để giúp cho giáo viên Tiếng Anh có thể nắm bắt được đổi mới cách dạy và học. Tuy nhiên việc ứng dụng Công nghệ Thông tin bên cạnh những mặt tích cực cũng tồn tại nhiều vấn đề đòi hỏi sự hiểu biết của người dạy nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đối với quá trình dạy và học. Trong những năm đầu tiên triển khai, Đề án đã tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên Tiếng Anh phổ thông theo 6 bậc tương đương khung tham chiếu Châu Âu. Từ năm 2013, Đề án xác định việc ứng dụng công nghệ Thông tin trong việc dạy và học Tiếng Anh là bước đi tiếp theo mang tính chiến lược trong việc nâng cao tầm ảnh hưởng và hiệu quả của các chương trình đề án. Cũng từ năm 2013, Trường Đại học Ngoại ngữ đã xây dựng thành công chuẩn năng lực Công nghệ Thông tin dành cho giáo viên Tiếng Anh và đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo thông qua và ban hành từ đó giáo viên các cấp có thể tham khảo, tra cứu, tự kiểm tra năng lực Công nghệ Thông tin của mình. Tiếp theo là chương trình bồi dưỡng năng lực Công nghệ Thông tin dành cho 838 giáo viên cốt cán để từ đó tiếp tục triển khai bồi dưỡng năng lực giáo viên các cấp. Năm 2014, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng triển khai khảo sát và xây dựng mô hình khảo thí có sự hỗ trợ của Công nghệ Thông tin cho giáo viên tiếng Anh theo chỉ đạo của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 nhằm đưa ra mô hình kiểm tra đánh giá với các cấp độ khác nhau, tương thích với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho giáo viên Tiếng Anh ở Việt Nam. Tại hội thảo lần này, tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực và chi tiết từ phía các nhà khoa học để từ đó chúng tôi có thể hoàn thiện nội dung chương trình có thể được triển khai trên phạm vi toàn quốc.”


Các thành viên chủ trì Hội thảo



ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo, giảng viên Khoa Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đang báo cáo tại Hội thảo “Biên soạn và Số hóa tài liệu giảng dạy ứng dụng Công nghệ Thông tin cho giáo viên Tiếng Anh từ bậc phổ thông đến bậc Đại học”.



ThS. Phạm Thị Tố Như, giảng viên Khoa Tiếng Anh trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đang báo cáo tạo Hội thảo “Xây dựng mô hình khảo thí trực tuyến”

Tại Hội thảo, các thành viên tham dự đã có dịp giới thiệu, trao đổi thông tin và lắng nghe báo cáo từ Tổ biên soạn và số hóa giáo trình thuộc nhóm Tech Team - Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 về nội dung các chuyên đề: Lý thuyết về CALL trong dạy học, tạo bài giảng và giáo trình điện tử, thiết kế và hướng dẫn các hoạt động học tập sử dụng Công nghệ Thông tin, Ứng dụng công cụ Web 2.0 trong giảng dạy ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ trong kiểm tra đánh giá, ứng dụng mạng xã hội và công nghệ đám mây trong giảng dạy ngoại ngữ và các nội dung về thực trạng ứng dụng Công nghệ Thông tin trong kiểm tra đánh giá, thái độ sinh viên về kiểm tra đánh giá qua mạng, mục tiêu khi sử dụng nền hệ thống Moodle,…


Sự ra đời của Trang Web VietCALL (do trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng với sự cộng tác của nhóm thành viên Tech Team xây dựng nhằm phục vụ bồi dưỡng ứng dụng Công nghệ Thông tin cho giáo viên Tiếng Anh) là một trong những sản phẩm có dấu ấn mạnh, thể hiện bước đi chiến lược của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia trong giai đoạn mới. Trang Web tiếp tục được cập nhật, bổ sung, số hóa và hoàn thiện sau mỗi đợt tập huấn, bồi dưỡng và tổ chức hội thảo.







Các thành viên tích cực chia sẻ ý kiến, thảo luận trong quá trình diễn ra Hội thảo.

Công nghệ Thông tin gần như đã trở thành phương tiện và môi trường học tập, giảng dạy không thể tách rời với quá trình giáo dục. Chính vì vậy năng lực Công nghệ Thông tin của giáo viên là một yêu cầu không thể thiếu trong quá trình dạy học. TS. Hồ Sĩ Thắng Kiệt phát biểu tại hội thảo: “Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong giảng dạy tiếng Anh làm cho giờ học trở nên sôi động hơn rất nhiều so với các giờ dạy bằng phương pháp truyền thống. Tôi vô cùng thích thú và tích cực nghiên cứu học hỏi ứng dụng Công nghệ Thông tin để ứng dụng trong các lớp học của mình nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của sinh viên.”
“Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao về những nỗ lực của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đà Nẵng trong công tác xây dựng chuẩn đầu ra về Ngoại ngữ cho sinh viên cũng như tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên Tiếng Anh các cấp.” -TS. Đặng Trần Quốc Vinh chia sẻ thêm.


TS. Hồ Sĩ Thắng Kiệt, giảng viên Khoa Tiếng Anh Chuyên ngành Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo



TS. Đặng Trần Quốc Vinh - Trưởng Khoa Tin học Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo



Các thành viên chụp hình lưu niệm cùng Ban Tổ chức Hội thảo

Trước đó, từ ngày 26-29/11/2014, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng tổ chức những đợt tập huấn về “Đào tạo Cử nhân Sư phạm tiếng Anh hệ Đại học, Cao đẳng tương thích với khung năng lực giáo viên tiếng Anh Việt Nam” và “Thực hiện chương trình Tiếng Anh tăng cường cho sinh viên không chuyên ngữ” nhằm thực hiện mục tiêu chung về đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đáp ứng nhu cầu hội nhập.