Hội thảo Khoa học Quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy bản ngữ, ngoại ngữ và khu vực học trong thời kỳ hội nhập”

Updated : 2017/08/01

Tiếp nối thành công của Hội thảo Khoa học Quốc gia “nghiên cứu liên ngành về ngôn ngữ và giảng dạy ngôn ngữ” và Hội thảo Khoa học Quốc gia “nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”, ngày 28/7/2017 Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2017 với chủ đề “Nghiên cứu và giảng dạy bản ngữ, ngoại ngữ và khu vực học trong thời kỳ hội nhập”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 200 thành viên là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo dục, chuyên gia trong cả nước.
 
TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo.
 
Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội thảo, TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời cảm ơn đến sự quan tâm tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học trên cả nước. “Hội thảo lần này đã nhận được sự quan tâm sâu sắc và tham gia nhiệt tình của các nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục ĐH, các viện nghiên cứu trong cả nước. Sau khi được Ban chuyên môn và Hội đồng phản biện xem xét nghiêm túc và công minh, 67 báo cáo toàn văn có hàm lượng khoa học cao đã được tuyển chọn đăng trong cuốn Tuyển tập các công trình của Hội thảo. Các báo cáo đã trình bày các nghiên cứu đa dạng trên nhiều lĩnh vực, như: Giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; Văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới; So sánh và đối chiếu các ngôn ngữ; Các xu thế trong nghiên cứu quốc tế học và khu vực học; Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và Ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ, v.v… Tuyển tập công trình đã cung cấp một bức tranh khá toàn cảnh và chi tiết về thực trạng nghiên cứu và giảng dạy bản ngữ, ngoại ngữ; và các vấn đề quốc tế như vai trò các nước đối với quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế. Chúng tôi cũng xin cáo lỗi đến một số tác giả vì khuôn khổ k yếu có hạn không thể đăng tải toàn bộ các báo cáo được gửi đến Ban chuyên môn và Hội đồng phản biện của Hội thảo và mong các tác giả tiếp tục đầu tư, đóng góp các báo cáo khoa học chất lượng cho các lần hội thảo tiếp theo.” -TS. Trần Hữu Phúc cho hay.
 
TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Nhà trường tặng hoa cho các báo cáo viên tại phiên toàn thể.
 
Tại phiên toàn thể đã có 3 báo cáo được trình bày “Đa dụng cá thể: Khung khái niệm mới để hiểu ngôn ngữ và giao tiếp”; “Đường hướng kiến tạo-hành động trong giáo dục ngoại ngữ” và “Tích hợp mô hình học tập thực nghiệm trong chương trình giảng dạy ngoại ngữ”.
 
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có hơn 45 báo cáo được trình bày tại 6 tiểu ban ở các lĩnh vực: giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, văn hóa Việt Nam và các nước trên thế giới, so sánh và đối chiếu các ngôn ngữ, các xu thế trong nghiên cứu quốc tế học và khu vực học, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ và ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ,... Trong phần trình bày tại tiểu ban, các đại biểu đều đã thể hiện sự chu đáo trong chuẩn bị và nhiệt tình trình bày về chủ đề của mình. Những báo cáo đều đã thu hút sự chú ý theo dõi của cử tọa. Chủ trì các tiểu ban đều đánh giá cao chất lượng nội dung, đề tài đa dạng của các báo cáo cũng như thảo luận sôi nổi về từng báo cáo.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn tại Hội thảo đã góp phần mang lại những nhận thức mới, tri thức mới về lĩnh vực ngôn ngữ, giáo dục học của Việt Nam đáp ứng được các nhu cầu của thực tiễn sử dụng ngôn ngữ trong thời kỳ hội nhập; góp phần nâng cao hiểu biết và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác dạy-học ngoại ngữ, ngôn ngữ cũng như nghiên cứu bản ngữ và các vấn đề liên quan.” - Đó là phát biểu kết thúc Hội thảo của TS. Đào Thị Thanh Phượng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
 
TS. Đào Thị Thanh Phượng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường tặng hoa cám ơn các chủ trì tiểu ban