Hội thảo quốc gia “Xây dựng và thí điểm triển khai bài kiểm tra xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ”.

Hội thảo quốc gia “Xây dựng và thí điểm triển khai bài kiểm tra xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ”.

Updated : 2015/12/07

Tiếp nối thành công của những hội thảo khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế, ngày 06/12/2015, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng và thí điểm triển khai bài kiểm tra xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ”. Đây cũng là một trong những hạng mục quan trọng thuộc chương trình hành động, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2015.

 
Văn nghệ chào mừng Hội thảo
 
Hội thảo quy tụ sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, các báo cáo viên và 300 giảng viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia, các báo cáo viên giàu tâm huyết và uy tín đến từ các trường đại học trên toàn quốc như Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế; Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc Gia Hà Nội; Đại học Ngoại thương Hà Nội; Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;  Đại học Quy Nhơn; Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh; đại diện các Trung tâm đào tạo Ngoại ngữ và Khảo thí Ngoại ngữ trên cả nước,… đã về tham dự hội thảo.
 
Các báo cáo viên chụp hình lưu niệm cùng Ban Tổ chức Hội thảo.
 
Hội thảo đã nhận được 20 báo cáo là công trình nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc và trao đổi các vấn đề cụ thể về: phương pháp luận và cơ sở lý thuyết đánh giá trình độ ngoại ngữ trực tuyến; nghiên cứu đối sánh hình thức đánh giá truyền thống và hình thức đánh giá ngoại ngữ trực tuyến; nghiên cứu khai thác các đối tượng học và hình thức sử dụng chúng trong đánh giá trình độ ngoại ngữ trực tuyến; nghiên cứu hướng tiếp cận đánh giá riêng biệt và kết hợp các kỹ năng trong giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến; nghiên cứu đảm bảo chất lượng trong đánh giá ngoại ngữ trực tuyến; phương pháp đánh giá xếp lớp trực tuyến. Qua đó đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về quy trình xây dựng bài thi xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ.
 
TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng phát biểu.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: “Từ uy tín và học hiệu được tạo dựng của một đơn vị nòng cốt, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 giao triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó Nhà trường thường xuyên đăng cai tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề với quy mô quốc gia và quốc tế nhằm quy tụ những chuyên gia, những nhà ngôn ngữ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ. Tiêu biểu trong thời gian qua là sự thành công của hội thảo quốc tế Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ GLoCALL 2013, mà qua đó cả người dạy lẫn người học ngoại ngữ ở các cấp học, bậc học đã được hưởng lợi rất lớn từ hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học. Đầu năm 2015, với sự hiện diện của hàng chục chuyên gia hàng đầu của International TESOL association lần đầu tiên tại Việt Nam, hàng trăm chuyên gia, giảng viên, giáo viên tiếng Anh trên toàn quốc đến trao đổi học thuật tại trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Đà Nẵng là minh chứng rõ nét về lòng say mê khoa học, đổi mới, cập nhật phương pháp dạy-học ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Gần đây, ngày 17/10, Nhà trường đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Tích hợp Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông vào xây dựng và phát triển đề cương môn học trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh” - Vietcall 2015. Hôm nay, chúng ta tiếp tục một nhiệm vụ trọng tâm nữa trong chuỗi các hoạt động học thuật năm 2015, Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Xây dựng và thí điểm triển khai bài kiểm tra xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ .
 
“Chúng ta kỳ vọng vào hiệu quả của việc triển khai bài kiểm tra xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ sẽ mang thêm một luồng gió mới trong dạy và học ngoại ngữ và chắc chắn rằng hội thảo lần này sẽ đáp ứng mong đợi của những ai quan tâm đến dạy và học không chuyên ngữ. Chúng ta càng vững chắc niềm tin vào việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra là “đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân… phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.” - TS. Trần Hữu Phúc phát biểu thêm.
 
PGS.TS Nguyễn Sĩ Thư, Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 phát biểu.
 
PGS.TS Nguyễn Sĩ Thư, Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 khẳng định: “Với sự tận tâm, chu đáo, trách nhiệm và chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng luôn quy tụ được nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia, nhiều giảng viên giỏi nên các hoạt động do Nhà trường tổ chức luôn có hàm lượng khoa học cao, chất lượng tốt, nhận được sự đánh giá cao của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ban Quản lý Đề án cũng như các Sở Giáo dục & Đào tạo, các trường Cao đẳng, Đại học trên toàn quốc. Đề án rất chú trọng đến đối tượng là giảng viên, sinh viên không chuyên ngữ, bảo đảm mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của bối cảnh Việt Nam chúng ta hội nhập quốc tế mỗi lúc một sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn. Điều này là minh chứng hùng hồn cho tính đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước khi quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020". Tôi cho rằng, tiếp nối thành công của những hội thảo khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế, chúng ta kỳ vọng vào hội thảo hôm nay sẽ mô tả được nhiều mô hình thí điểm bình quân xếp lớp tiếng Anh đầu vào cho sinh viên không chuyên ngữ, góp phần nâng cao hiệu quả của việc triển khai bài trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ.”
 
TS. Huỳnh Ngọc Mai Kha đang trình bày báo cáo về “Mô hình khảo thí ngoại ngữ trực tuyến do Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng xây dựng và thí điểm”.
 
 
Hội thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của việc dạy học và kiểm tra đánh giá ngoại ngữ đối với sinh viên không chuyên ngữ, nhất là trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ trog đó có cả chuẩn đầu ra của sinh viên các nước theo khung chuẩn năng lực ASEAN đã công bố. “Thành công của Hội thảo là nền tảng để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai bài kiểm tra xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ, qua đó tạo nên tính chính xác, khách quan, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng trong giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành, tạo nên nguồn nhân lực đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước trong thời kỳ hội nhập, đồng thời thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, góp phần thực hiện thắng lợi đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.” - là phát biểu bế mạc Hội thảo của TS. Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Nhà trường.
 
Những hình ảnh liên quan:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tin, bài viết liên quan: