Hội thảo TESOL Quốc tế lần đầu tiên ở Việt Nam sẽ diễn ra tại ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng với chủ đề “Giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ”

Hội thảo TESOL Quốc tế lần đầu tiên ở Việt Nam sẽ diễn ra tại ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng với chủ đề “Giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ”

Updated : 2015/07/28

Việt Nam đã và đang nỗ lực gì để chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia một thị trường lao động cạnh tranh, sẽ khởi động vào cuối năm nay, lúc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời ? Lao động các quốc gia trong khu vực sẽ bắt đầu dòng dịch chuyển tìm việc ở nước khác, không nhất thiết chỉ làm việc tại nơi mình sinh sống. Và lao động Việt Nam cũng sẽ hoà vào dòng chảy đó để tìm kiếm việc làm ở các quốc gia trong khu vực.

Lao động Việt Nam có ưu thế cần cù, chịu khó, sáng tạo nhưng thua thiệt về ngoại ngữ (và một bộ phận còn yếu về tính kỷ luật) để hội nhập vào môi trường làm việc mới. Riêng ngoại ngữ, việc yếu về ngoại ngữ cũng đã khiến lao động Việt Nam phải chịu giá nhân công thấp hơn so với các nước khác.

Kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ngay sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã làm cầu nối để đưa Tổ chức TESOL (Tổ chức giảng dạy tiếng Anh cho người bản ngữ không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính/ngôn ngữ mẹ đẻ) đến với Việt Nam. 

Đây cũng là lần đầu tiên TESOL thiết lập quan hệ với các tổ chức, các trường và trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam.

Lãnh đạo Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng chủ trì họp báo, công bố sự kiện “Hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ” sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/7/2015.

-Ảnh: T.N.

Trong 2 ngày 28, 29 tháng 7/2015 đến, tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng sẽ chính thức diễn ra “Hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ” do Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức TESOL quốc tế tổ chức. Hội thảo cũng là một trong những hạng mục trọng tâm năm 2015 của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 mà Nhà trường này đang thực hiện.

Với chủ đề “Tính đổi mới, tính ứng dụng và tính bền vững trong giảng dạy tiếng Anh”, Hội thảo tập trung vào mục tiêu đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học tiếng Anh.

“Chúng tôi sẽ chú trọng đến việc tiếp cận hướng đổi mới theo xu thế làm sao để việc dạy-học tiếng Anh nói riêng, ngoại ngữ nói chung, được phát triển theo hướng tăng cường giao tiếp. Không phải đợi đến bậc THPT hay đại học, người học tiếng Anh mới được giao tiếp, mà bắt đầu học Anh ngữ, là được giao tiếp. Hình thức buổi học không nhất thiết là lớp, là giảng đường mà kể cả một phiên dã ngoại” – Tiến sỹ Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết.

Cùng với các đại diện ngoại giao đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam, sẽ có hơn 30 chuyên gia đầu ngành, các Giáo sư và nhà quản lý giáo dục nổi tiếng của Anh, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Úc và Trung quốc sẽ đến Đà Nẵng-Việt Nam vào các ngày 27, 28 và 29/7 sắp đến để chia sẻ cùng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ. Đây cũng là lần đầu tiên, diễn ra cuộc tiếp xúc với quy mô lớn giữa các nhà quản lý giáo dục Việt Nam, các chuyên gia và giảng viên Đại học Việt Nam với TESOL và chuyên gia đầu ngành, các Giáo sư và nhà quản lý giáo dục nổi tiếng của Anh, Hoa Kỳ, Hồng Kông Úc và Trung quốc.

TP Đà Nẵng được chọn là điểm đến thú vị của lần gặp gỡ này.

Theo chương trình được gửi đến các cơ quan truyền thông, sẽ có 3 phát biểu chào mừng Hội thảo TESOL quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam của Tham tán Văn hoá Thông tin Đại sứ quán tại Việt Nam, ông Terry White; Chủ tịch Tổ chức quốc tế Tesol, TS. Andy Curtis và TS.Rosa Aronson-Giám đốc Tổ chức quốc tế Tesol.

Đại diện các Đại học quốc tế và trong nước sẽ có phát biểu tại hội thảo gồm: Bà Jill Boggs (Oxford-Anh), bà Lillian L.C.Wong (Hongkong), GS.Rosemary Orlando (Southern New Hampshire,Hoa kỳ), GS.Ann Burns (New South Wales,Sydney,Úc),GS. Hoàng văn Vân và TS. Đỗ Tuấn Minh (ĐH Quốc gia Hà Nội, Việt Nam).

Trước đó, trong nghi thức khai mạc, sẽ có phát biểu chỉ đạo chuyên môn của Lãnh đạo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 ; phát biểu chào mừng của lãnh đạo Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng; báo cáo của Ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 do TS.Trần Xuân Thảo trình bày …

Tiến sỹ Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng chia sẻ thông tin.


Là đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức Hội thảo, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng sẽ đóng góp cho hội thảo 5 báo cáo khoa học là những bài học kinh nghiệm rất quý về ứng dụng CNTT trong dạy và học tiếng Anh ; kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc (tham chiếu khung tiêu chuẩn trình độ tiếng Anh châu Âu) ; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, trung học và sư phạm … theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Được biết, sẽ có hơn 300 giáo viên tiếng Anh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; giảng viên tiếng Anh tại các trường cao đẳng, đại học trên toàn quốc và một số quốc gia trên thế giới tham dự hội thảo.

“Đây là cơ hội để các Thầy Cô trực tiếp giảng dạy tiếp cận các hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh; hoặc nghe báo cáo của chuyên gia tại các phiên toàn thể; hoặc lựa chọn tham dự theo báo cáo chuyên đề diễn ra song song để được thực hành giao tiếp, tiếp cận các ứng dụng phương pháp dạy-học hiện đại. Hội thảo còn là điểm hội tụ để các diễn giả và người tham dự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trao đổi các ý tưởng liên quan” TS. Nguyễn Văn Long-Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng giới thiệu thêm.

Sinh viên ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng báo cáo khoa học tại Hội nghị SV Nghiên cứu khoa học 2015. -Ảnh: T.N.

Tiến sỹ Trần Hữu Phúc – Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết, sau khi nhận được thông tin về Hội thảo, các học giả, các chuyên gia, giới nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục và các giảng viên trong nước, quốc tế đã gửi bài tham gia.

Tính đến thời điểm này, Hội đồng chuyên môn thẩm định của BTC đã nhận được hơn 50 báo cáo, tham luận khoa học, trong đó có 20 báo cáo chính thức.

Ngoài các chuyên gia quốc tế nổi tiếng trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ ; Hội thảo còn có sự tham dự của gần 20 diễn giả đến từ các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên cả nước.

Hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ 2015 là một trong những hoạt động khoa học đột phá nhằm nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh của giảng viên, góp phần nâng cao uy tín, khẳng định vai trò và trách nhiệm của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, đơn vị nòng cốt thực hiện sứ mệnh nâng cao năng lực ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân  1 trong 3 Đại học chuyên ngành Ngoại ngữ lớn của cả nước (Hà Nội, Huế và Đà Nẵng).

Thanh Nhã thực hiện, theo ictdanang.vn