Ngôi trường tạo môi trường tích cực cho người dạy và học ngoại ngữ

Ngôi trường tạo môi trường tích cực cho người dạy và học ngoại ngữ

Updated : 2015/04/23

Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn môn tiếng Anh là một trong 3 môn thi bắt buộc. Dù còn một vài ý kiến băn khoăn, nhưng dư luận trong và ngoài nhà trường phần đông ủng hộ quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây có thể xem là động thái tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đạt được mục tiêu cải thiện toàn diện chất lượng dạy và học Ngoại ngữ theo tinh thần của Đề án NN Quốc gia 2020. Sau đây là cuộc trao đổi của PV Giáo dục và Thời đại với TS. Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.

 

  P.V: Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa môn tiếng Anh của Kỳ thi THPT Quốc gia, phần đông GV và HS tỏ ra phấn khởi và yên tâm hơn. Ông có nghĩ đây là dấu hiệu của việc chất lượng dạy và học tiếng Anh ở trường THPT đã được cải thiện hay là vì lý do nào khác?

TS Trần Hữu Phúc: Việc công bố đề thi minh họa môn tiếng Anh của kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ giáo dục và Đào tạo đã nhận được những phản hồi tích cực, yên tâm và phấn khởi từ GV và học sinh là một tín hiệu đáng mừng. Đây là tín hiệu thể hiện rõ sự gắn bó chặt chẽ giữa công tác đánh giá, khảo thí với chương trình dạy và học trong nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết rằng Đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Đề thi phải sát với chương trình, kiểm tra được kiến thức các em đã được học, đó là định hướng tốt trong dạy-học và kiểm tra-đánh giá. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là đề thi ngoài mục đích đảm bảo việc kiểm tra kiến thức chung được học, việc phân tầng, phân loại học sinh thông qua kiểm tra-đánh giá để tìm ra các học sinh xuất sắc cũng là điều cần thiết, góp phần nhận diện các sản phẩm tinh hoa trong quá trình đào tạo.

Ngoài ra, có thể nhận định, việc triển khai đề án NNQG 2020 trong những năm qua đã tạo ra lộ trình đúng đắn, môi trường sôi nổi trong các hoạt động thảo luận chuyên môn về giảng dạy và khảo thí ngoại ngữ, góp phần quan trọng vào các quyết sách về dạy-học và thi ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

P.VViệc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chọn môn Tiếng Anh là một trong 3 môn thi bắt buộc của kỳ thi THPT Quốc gia xảy ra hai luồng dư luận: luồng dư luận ủng hộ và luồng dư luận cho rằng, nên để có thêm thời gian cho nhà trường cải thiện về chất lượng dạy và học Ngoại ngữ. Ý kiến của ông như thế nào?

Đôi khi một vấn đề đặt ra có thể tiếp nhận nhiều ý kiến khác nhau. Mỗi ý kiến có thể xuất phát từ những cơ sở đặc thù riêng. Tuy nhiên, một khi đã là quyết sách có nghĩa là được thực hiện trên cơ sở nhận định chung của đa số. Có thể thấy tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông từ rất lâu rồi. Điều này cũng thể hiện chiến lược của đất nước trong việc xác định chìa khóa then chốt trong chặng đường phát triển và hội nhập. Việc Thủ tướng chính phủ ban hành quyết định 1400 vào năm 2008 về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020 là minh chứng rõ ràng cho định hướng của đất nước, trang bị năng lực ngoại ngữ cho công chúng nói chung và đặc biệt là cho học sinh, sinh viên trên con đường hội nhập. Trong giai đoạn hiện nay, ngoài các ngôn ngữ phổ biến khác, tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu được thực hiện trong giao lưu hội nhập. Do đó, việc trang bị kỹ năng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cho toàn dân là điều rất cần thiết trong giai đoạn này. Do đó, tôi nhận định việc đưa môn tiếng Anh là 1 trong 3 môn thi bắt buộc thể hiện được quyết tâm có tính hệ thống của lãnh đạo và của toàn dân trong nâng cao năng lực cạnh tranh của chúng ta trên con đường hội nhập.

P.V:Là người có chuyên môn sâu về tiếng Anh, ông đánh giá gì về vai trò cũng như hiệu quả đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cho các trường phổ thông những năm qua?

Trường Đại học Ngoại ngữ là 1 trong 10 đơn vị nòng cốt được Bộ giáo dục và Đào tạo chọn là nơi triển khai công tác rà soát và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh của các trường phổ thông trong những năm qua. Có thể nhận định, việc sử dụng nguồn nhân lực tri thức sẵn có là chuyên gia và giảng viên các trường đại học để bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh là quyết định vô cùng đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo. Nhiệm vụ của Đề án là rà soát và bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam dựa trên khuung tham chiếu Châu Âu. Trong 6 năm qua, các trung tâm bồi dưỡng (là các trường đại học) đã triển khai các đợt nâng cao năng lực cho giáo viên khá hiệu quả. Có thể nhận thấy phần lớn giáo viên đã có cơ hội được học tập và nâng cao năng lực, một số lớn đã đạt chuẩn. Đề án NNQG 2020 đã đi hơn nửa hành trình và đã đạt được các mục tiêu đề ra một cách có hiệu quả. Nhưng theo tôi kết quả lớn nhất của việc bồi dưỡng giáo viên là nâng cao nhận thức của cá nhân và xã hội trong việc đánh giá chuẩn người dạy; tạo môi trường tích cực cho người dạy rèn luyện phấn đấu, tạo niềm tin hơn cho người học và xã hội theo hướng chuẩn hóa cả người dạy lẫn người học.

 

 P.V: Ở cượng vị lãnh đạo một trường đi tiên phong trong triển khai thực hiện Đề án 2020, được Bộ đánh giá việc triển khai thực hiện khá hiệu quả, xin ông cho biết hướng đi của Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng trong góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh bậc học phổ thông trong thời gian tới?

Trong thời gian đến, tiếp nối những thành công của Nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ Ban quản lý Đề án NNQG 2020 giao phó, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng xác định hướng đi trọng tâm của Nhà trường trong thời gian đến là: Rà soát, cập nhật các chương trình bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, năng lực ngôn ngữ cho giáo viên tiếng Anh; Đa dạng hóa giáo trình giảng dạy nhằm xây dựng , khơi dậy sự hứng thú và tăng cường tương tác trong hoạt động dạy-học; Tiếp tục phát triển định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học ngoại ngữ, lan tỏa việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy đến từng giảng viên. Điều này giúp cho việc giảng dạy không còn bị giới hạn bởi không gian, giáo viên có thể kết nối mạng lưới học tập trên toàn quốc, khu vực và thế giới; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc khảo thí trực tuyến cho các đối tượng, rà soát năng lực ngôn ngữ từ giáo viên đến sinh viên theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam và định dạng đề thi mới do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định; Hướng hoạt động bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên phổ thông theo trọng tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học, kỹ thuật dạy ngoại ngữ và năng lực ngôn ngữ sư phạm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo http://newthoidai.vn/