Rà soát cải tiến chất lượng chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ

Rà soát cải tiến chất lượng chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ

Updated : 2021/01/02

Trong hai ngày 28-29/12/2020, Ban Đảm bảo Chất lượng Giáo dục (ĐBCLGD) – Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tiến hành phối hợp rà soát chương trình đào tạo (CTĐT) ngành Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ. PGS.TS Đinh Thành Việt – Trưởng ban Ban ĐBCLGD và TS. Lê Thị Giao Chi – Trưởng khoa Khoa Sư phạm Ngoại ngữ đồng chủ trì việc rà soát và cải tiến.

Tham dự chương trình làm việc có PGS.TS. Nguyễn Văn Long - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, lãnh đạo và chuyên viên Ban ĐBCLGD, lãnh đạo Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ.
 
Đại diện lãnh đạo nhà trường và cán bộ, giảng viên tham gia rà soát, cải tiến CTĐT
 
CTĐT ngành Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ được xây dựng nhằm cung cấp cho người học nền tảng cơ bản về lý thuyết cũng như thực hành cho việc giảng dạy tiếng Anh, giúp người học nắm vững việc sử dụng tiếng Anh và giảng dạy ngoại ngữ này. Sinh viên thuộc chương trình cử nhân Sư phạm tiếng Anh có thể phát triển kiến thức ngôn ngữ tiếng Anh đồng thời nâng cao năng lực ngôn ngữ và giảng dạy.
 
Mục tiêu của chương trình làm việc là rà soát lại CTĐT ngành Sư phạm tiếng Anh đối chiếu với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cấp chương trình đào tạo phiên bản 4.0 của AUN-QA. Trong đợt rà soát này, cán bộ giảng viên khoa cũng sẽ đưa vào những cải tiến nhằm giúp CTĐT đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, thể hiện rõ hơn nội dung giáo dục dựa trên đầu ra, đáp ứng yêu cầu đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp.
 
PGS.TS Đinh Thành Việt – Trưởng ban Ban ĐBCLGD phổ biến nội dung rà soát
 
Phần đầu chương trình làm việc, TS. Lê Thị Giao Chi đã trình bày, phân tích cuốn CTĐT ngành Sư phạm tiếng Anh về tầm nhìn, sứ mạng, các mục tiêu và các chuẩn đầu ra của CTĐT (Program Learning Outcomes - PLO). Cán bộ giảng viên tham dự đã xem xét toàn diện khung chương trình đào tạo, bản mô tả chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần và đặc biệt là chuẩn đầu ra và các công cụ đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra CTĐT của người học.
 
TS. Lê Thị Giao Chi – Trưởng khoa Khoa Sư phạm Ngoại ngữ trình bày, phân tích CTĐT ngành Sư phạm tiếng Anh
 
PGS.TS Đinh Thành Việt đã hướng dẫn và cùng với tập thể giảng viên trực tiếp rà soát từng PLO, đặc biệt là sự phù hợp trong ma trận biểu diễn mức độ đáp ứng của từng học phần đối với các PLO. Trên cơ sở phân tích PLO, cán bộ, giảng viên xác định chỉ số đánh giá kết quả thực hiện (PI – Performance Indicator) mà người học phải đáp ứng để đạt được PLO. Tất cả các học phần trong CTĐT được rà soát đánh giá mức độ đáp ứng với các PI theo một trong 03 mức:
 
I (Introductory): Học phần có sự hỗ trợ đạt được PLO và ở mức giới thiệu/bắt đầu;
 
R (Reinforced): Học phần có sự hỗ trợ đạt được PLO và ở mức nâng cao hơn mức bắt đầu, có nhiều cơ hội được thực hành, thí nghiệm, thực tế,…;
 
M (Mastery): Học phần hỗ trợ mạnh mẽ người học trong việc thuần thục/thành thạo hay đạt được PLO.
 
 
Phát huy trí tuệ tập thể trong rà soát cải tiến CTĐT
 
Xuyên suốt chương trình rà soát các cán bộ, giảng viên tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tế để cải tiến CTĐT trên tất cả các phương diện. Sự phù hợp giữa chuẩn đầu ra của CTĐT với mục tiêu đào tạo, sứ mạng và tầm nhìn của trường được chú trọng. Các PLO được cải tiến theo hướng thuận lợi trong việc đo lường đánh giá và phù hợp với trình độ đào tạo, có lưu ý diễn đạt theo các mức phân loại của Bloom trong các miền nhận thức, xúc cảm, tâm vận động. Phương pháp giảng dạy, đánh giá được cải tiến nhằm tăng mức độ đáp ứng của các học phần với các chuẩn đầu ra của CTĐT.
 
Cán bộ, giảng viên Khoa Sư phạm Ngoại ngữ trực tiếp rà soát và cải tiến CTĐT
 
Trong phần làm việc tiếp theo, PGS.TS Đinh Thành Việt hướng dẫn trực tiếp việc xác định các học phần cốt lõi cần thu thập minh chứng cho việc đánh giá PLO. Kế hoạch đo lường, đánh giá các PLO cũng được cải tiến theo hướng đánh giá kết quả đạt được các PI thông qua các học phần cốt lõi. Tập thể giảng viên đã triển khai thu thập dữ liệu để đo lường, đánh giá các PI bằng phương pháp trực tiếp. Dữ liệu thu thập  được dùng để phân tích, đánh giá mức độ đạt các PI và đối sánh với mức mục tiêu đã đề ra.
 
Chương trình rà soát đã cho thấy những mặt mạnh của CTĐT cần phát huy như hệ thống thông tin dữ liệu về kiểm tra đánh giá đầy đủ, phù hợp và hiệu suất cao, đề cương chi tiết các môn học có mối liên hệ chặt chẽ với cấu trúc CTĐT. Tập thể giảng viên đã cùng phối hợp để xây dựng được ma trận đánh giá trực tiếp mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra CTĐT thể hiện mối quan hệ trên 9 PLO, 27 PI và các học phần hỗ trợ đánh giá. Trên cơ sở kết quả rà soát, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ xác định sẽ không ngừng cập nhật, cải tiến để nâng cao chất lượng CTĐT theo nhu cầu của xã hội, đặc biệt là các yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động.
 
Tin Trường Đại học Ngoại ngữ và Ban ĐBCLGD