Tọa đàm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy ngôn ngữ: Cơ hội và thách thức”

Updated : 2023/05/12

Ngày 12/05/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy ngôn ngữ: Cơ hội và thách thức”. Tọa đàm có sự tham gia của diễn giả khách mời là PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HUFLIT), đồng thời là Chủ tịch STESOL thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Chương trình Tọa đàm đã thu hút đông đảo các thầy cô giảng viên và sinh viên tham dự.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN chia sẻ, Tọa đàm là dịp để chúng ta cùng tìm hiểu về sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) và tầm ảnh hưởng của nó đối với giáo dục nói chung và giảng dạy ngôn ngữ nói riêng.
 
PGS.TS. Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHĐN phát biểu khai mạc Tọa đàm
 
Với sứ mạng đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, văn minh nhân loại, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Tọa đàm là một trong những hoạt động được Nhà trường quan tâm và thường xuyên tổ chức nhằm tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, vận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong dạy và học, phát triển năng lực của giảng viên; đồng thời, khuyến khích người học cùng tham gia vào quá trình học tập ngôn ngữ tương tác với công nghệ AI, góp phần khẳng định và duy trì vai trò quan trọng của con người trong quá trình dạy và học, PGS.TS. Trần Hữu Phúc nhấn mạnh.
 
Lãnh đạo Nhà trường tặng hoa cho diễn giả khách mời
 
Với kinh nghiệm nghiên cứu bao gồm Ngôn ngữ học Máy tính, Ngôn ngữ học Tri nhận, học ngôn ngữ với sự hỗ trợ của CNTT và phương pháp giảng dạy tiếng Anh cùng nhiều năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn xây dựng năng lực chuyển đổi kỹ thuật số cho nhiều tổ chức giáo dục đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam, tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ đã trình bày và chia sẻ về sự giao thoa giữa ngôn ngữ học và khoa học máy tính, ý nghĩa của AI trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, các khả năng của AI để nâng cao hiệu quả sư phạm trong giáo dục ngôn ngữ. Đặc biệt, bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ cũng đã nêu lên những khía cạnh đạo đức liên quan đến việc áp dụng AI, giải quyết các mối lo ngại xung quanh quyền riêng tư, bảo mật và quyền tiếp cận công bằng trong giảng dạy ngôn ngữ. 
 
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy ngôn ngữ
 
Có thể thấy rằng, trí tuệ nhân tạo với khả năng phân tích và xử lý dữ liệu nhanh chóng, đã, đang và sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để cải thiện quá trình giảng dạy và học tập ngôn ngữ, cùng với đó là những thách thức, một trong những thách thức đáng lo ngại nhất là nguy cơ con người bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng AI có thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người, đặc biệt là trong giáo dục - Hiệu trưởng Trần Hữu Phúc khẳng định.
 
Giảng viên, sinh viên tham gia Tọa đàm
 
Trong bối cảnh những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến giáo dục, Tọa đàm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy ngôn ngữ: Cơ hội và thách thức” đã diễn ra thành công và góp phần tạo ra một diễn đàn trao đổi, thảo luận và chia sẻ thông tin về các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giảng dạy và học tập ngoại ngữ, cũng như những cơ hội và thách thức của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ giảng dạy và học tập ngoại ngữ. Qua đó, khẳng định vai trò của Nhà trường là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu ngoại ngữ, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của khu vực và đất nước.
 
 
Chụp ảnh lưu niệm
Tin và bài viết liên quan: