Trường Đại học Ngoại ngữ đóng góp vào thành công của Hội nghị ACT+1 lần thứ 33

Trường Đại học Ngoại ngữ đóng góp vào thành công của Hội nghị ACT+1 lần thứ 33

Updated : 2017/09/27

Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN lần thứ 33 do Công đoàn Giáo dục Việt Nam đăng cai tổ chức chính thức khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề: “Vai trò của giáo dục trong tiếp biến văn hóa toàn cầu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Hội nghi diễn ra từ ngày 15/9 đến hết ngày 17/9/2017 tại CENTARA Sandy Beach Resort Danang.

Khai mạc Hội nghị
 
Đây là hội nghị thường niên, với sự tham gia của gần 400 đại biểu chính thức, trong đó có trên 200 khách mời là đại biểu các tổ chức công đoàn nhà giáo quốc tế đã tạo ra một diễn đàn lớn để các nhà giáo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển giáo dục, tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua thách thức của quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra.
 
Với tư cách là đơn vị cấp cơ sở  của Công đoàn Đại học Đà Nẵng, trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ đã phối hợp với Nhà trường điều động nguồn nhân hỗ trợ tổ chức Hội nghị. Trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị, các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như: dẫn chương trình, phiên dịch cabin, thư ký, tham gia các phiên thảo luận chuyên đề,... Ngoài ra, Trường Đại học Ngoại ngữ còn huy động 40 sinh viên từ các Khoa: Tiếng Anh, Tiếng Anh chuyên ngành, Sư phạm Ngoại ngữ, Tiếng Nhật-Hàn-Thái, Quốc tế học làm lực lượng tình nguyện viên đón tiếp, hỗ trợ các đoàn đại biểu quốc tế và thực hiện các nhiệm vụ khánh tiết, nghi thức, phục vụ tại Hội nghị. Với việc hỗ trợ nguồn nhân lực thực hiện các nhiêm vụ thiết yếu như vậy, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ vào thành công của Hội nghị, mang lại những kết quả đáng mong đợi và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các đại biểu và khách mời quốc tế.
 
Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ tham gia dẫn chương trình tại Hội nghị
 
Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ tham gia phiên dịch ca bin tại Hội nghị
 
Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ đảm nhận vai trò Thư ký tại Hội nghị
 
Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ tham gia thảo luận tại Hội nghị
 
Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ tham gia làm lực lượng tình nguyện viên đón tiếp, hỗ trợ các đoàn đại biểu quốc tế và thực hiện các nhiệm vụ khánh tiết, nghi thức, phục vụ tại Hội nghị
 
Chụp hình lưu niệm cùng Ban Tổ chức
 
 
Mục tiêu của hội nghị lần này là "vì một nền giáo dục phát triển tiến bộ trong khu vực và trên thế giới", vấn đề đặt ra là phải làm gì, làm như thế nào để có thể giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập tất yếu? Giáo dục có vai trò như thế nào trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong quá trình giao lưu, tiếp biến toàn cầu hóa? Bằng kinh nghiệm của mỗi nước, các đại biểu tham dự Hội nghị chia sẻ những cách làm giáo dục giá trị hiệu quả trên phương diện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đặt ra những câu hỏi và cùng nhau tìm lời giải đáp cho những vấn đề còn bỏ ngỏ. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những giải pháp giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa; các giải pháp hỗ trợ nhà giáo phát triển nghề nghiệp; giảm dần chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, các quốc gia trong khu vực. Hội nghị thống nhất xác định giáo dục văn hóa truyền thống là việc làm cần thiết, việc tiếp biến và bảo tồn các giá trị truyền thống đã được giáo dục tại các nước trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc đã thực hiện từ lâu. Những điểm thành công và chưa thật sự thành công đều là những kinh nghiệm quý báu. Từ đó áp dụng vào nền giáo dục của Việt Nam, xác định giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh là việc làm cần thiết và có ý nghĩa, tuy nhiên không phải chỉ đơn thuần mang tính chất “về nguồn” hay “tìm về cội nguồn” mà phải tiến đến việc: Giáo dục cho học sinh thấu hiểu một cách sâu sắc và đúng đắn những mặt tích cực của vốn văn hóa truyền thống.