Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng tổ chức trọng thể kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa tiếng Nga và 40 năm giảng dạy tiếng Nga tại Đà Nẵng.

Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng tổ chức trọng thể kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa tiếng Nga và 40 năm giảng dạy tiếng Nga tại Đà Nẵng.

Updated : 2015/10/12

Sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa tiếng Nga và 40 năm giảng dạy tiếng Nga tại Đà Nẵng vừa được ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tổ chức trọng thể (với các hoạt động nối tiếp diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/10/2015).

* Đổi mới hoạt động Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam để  nền văn hóa đa dạng của nước Nga tiếp tục đến với thế hệ trẻ Việt Nam.
 

Đây là dịp để các thế hệ đặt nền móng đầu tiên xây dựng và hình thành môn Nga ngữ đến khoa tiếng Nga và các thế hệ sinh viên những năm đầu mở ngành – nay đã là những cán bộ trưởng thành trên nhiều phương diện – ôn lại biết bao kỷ niệm của một thời dạy và học. Đặc biệt, ôn lại những thăng trầm của một ngoại ngữ mà quá trình giảng dạy tại Việt Nam đã phải chịu những tác động khách quan của các biến cố lịch sử (và cả các yếu tố chủ quan).

GS.TS Trần Văn Nam-Thành uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng thay mặt Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng tặng lẵng hoa chúc mừng đến TS. Nguyễn Văn Hiện-Trưởng Khoa tiếng Nga và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa tiếng Nga và 40 năm giảng dạy tiếng Nga tại Đà Nẵng.

 

Nói như bà Elena Zubtsova – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Lễ kỷ niệm diễn ra chiều ngày 10/10/2015:  “Không phải giấu một điều rằng: vài chục năm gần đây, các chuyên gia đầy nhiệt huyết, gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp phát triển và quảng bá tiếng Nga ở Việt Nam, hiện đang gặp những khó khăn lớn mang tính khách quan cũng như chủ quan, thế nhưng họ vẫn làm tất cả những gì có thể để thu hút vào đội ngũ của mình các thanh thiếu niên thực sự trung thành với nền văn hóa Nga. Hôm nay, tại buổi lễ này, có mặt rất đông các nhà giáo, những người bất chấp mọi khó khăn đón nhận sứ mệnh từ thế hệ các nhà Nga ngữ lão thành và tiếp tục giảng dạy cho thanh thiếu niên Việt Nam tiếng Nga – một ngôn ngữ phức tạp nhưng vô cùng phong phú, giới thiệu cho thế hệ đang trưởng thành của Việt Nam nền văn hóa đa dạng của nước Nga”.

 

Tự hào một chặng đường phát triển với bao biến động của lịch sử

 

Theo Phó GS.TS Dương Quốc Cường-Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng): Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của khoa tiếng Nga, 40 năm giảng dạy tiếng Nga tại Đà Nẵng, chúng tôi tự hào đã có những đóng góp to lớn. Và chúng tôi vững tin vào sự phát triển không ngừng của khoa tiếng Nga trong thời gian sắp đến. Cùng với các khoa, ngành khác, khoa tiếng Nga sẽ góp phần thực hiện sứ mạng của Nhà trường “đào tạo, nâng cao tri thức về ngôn ngữ, văn hóa nhân loại nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”; thực hiện mục tiêu “phát triển xứng tầm là cơ sở giáo dục đại học nòng cốt của cả nước, hướng tới đẳng cấp khu cực và quốc tế” theo như Nghị quyết Đại học Đảng bộ Trường lần thứ IV nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

 

Còn theo TS. Nguyễn Văn Hiện - Trưởng Khoa - Trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc và các biến đổi của ngôn ngữ, thế hệ những người dạy tiếng Nga ở Đà Nẵng nói chung và khoa tiếng Nga nói riêng đã đi qua biết bao vui buồn, nhưng điều không thể phai nhạt trong tim mỗi người là tình yêu với tiếng Nga và đất nước Nga, đồng lòng chung sức tạo ra sự vững mạnh cho khoa tiếng Nga, tin tưởng rằng trong tương lai không xa tiếng Nga sẽ có góp mặt trở lại trong các trường phổ thông Việt Nam.

 

Từng là ngoại ngữ duy nhất được dạy suốt 15 năm ở Viện Đại học Đà Nẵng (tiền thân của ĐH Bách khoa Đà Nẵng)

 

Phó GS.TS Dương Quốc Cường-Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) thay mặt Lãnh đạo Nhà trường tặng lẵng hoa chúc mừng đến TS. Nguyễn Văn Hiện-Trưởng Khoa tiếng Nga. 

-Ảnh: T.N.

 

Năm 1975, ngay sau miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Viện Đại học Đà Nẵng (Trường Đại học Bách Khoa hiện nay) được thành lập. Bộ môn tiếng Nga bắt đầu được đưa vào giảng dạy và là ngoại ngữ duy nhất được học ở đây cho tới đầu những năm 1990.

 

Năm 1978 Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng chính thức tổ chức việc đào tạo giáo viên tiếng Nga cho các trường cấp II trong khu vực và dạy tiếng Nga không chuyên cho giáo sinh các hệ đào tạo Cao đẳng Sư phạm khác trong trường.

 

Ngày 14/4/1985 Bộ Giáo dục đã ra quyết định số 395B/QĐ về việc thành lập Cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng với nhiệm vụ đào tạo giáo viên ngoại ngữ có trình độ đại học cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hai khoa đầu tiên là khoa tiếng Anh và khoa tiếng Nga.

 

Trưởng khoa Nga đầu tiên là thầy Tôn Quang Tính. Năm học đầu tiên 1985 – 1986 khoa Nga có 5 lớp, ngoài 3 lớp hệ cao đẳng có 1 lớp tiếng Nga hệ đại học đầu tiên với 20 sinh vien năm 1 và 1 lớp hệ đại học hóa. Đội ngũ giáo viên của Khoa năm đó còn rất mỏng, nên thường xuyên được bổ sung thêm giáo viên biệt pháo từ Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

 

Những năm tiếp theo số sinh viên năm 1 tuyển vào mỗi năm tăng dần, khóa 2 có 76 sinh viên, khóa 3 là 115... Tuy điều kiện học tập và sinh hoạt thời đó còn nhiều thiếu thốn, nhưng phong trào học tập, hoạt động đoàn, văn nghệ, ngoại khóa... đều rất sôi nổi. Hàng năm số lượng sinh viên năm 3 được đi học chuyển tiếp tại Liên Xô rất đông tạo thành động lực lớn khích lệ sinh viên nỗ lực hơn trong học tập.

 

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã ảnh hưởng lớn đến ngành tiếng Nga ở Việt Nam nói chung, và đặc việt là ở miền Trung, miền Nam. Tại Đà Nẵng, việc giảng dạy tiếng Nga ở các trường phổ thông đã dần dần bị thu hẹp, sau đó là xóa bỏ hẳn. Sau vài năm điều này bắt đầu tác động đến việc tuyển sinh Khoa, vì khi đó thi vào khoa Nga phải thi môn tiếng Nga. Số lượng sinh viên tại khoa giảm dần.

 

Sự kiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất và tiếng Nga quay trở lại giảng đường

 

Ngày 4/4/1994 Chính phủ đã ra Nghị định số 32/CP về việc thành lập Đại học Đà Nẵng. Khoa tiếng Nga bổ sung đội ngũ giảng viên tiếng Nga từ các Trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Kinh tế và Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng. Những năm này, việc giảng dạy tiếng Nga không chuyên ở các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng cũng bị thu hẹp, về sau bỏ hẳn. Các giáo viên tổ tiếng Nga không chuyên hầu hết đều học thêm hai tiếng Anh và chuyển dần sang dạy tiếng Anh không chuyên.

 

Sau một thời gian các khoa ngoại ngữ sát nhập và sinh hoạt tại trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng, ngày 26/8/2002, Trường Đại học Ngoại ngữ đã chính thức được thành lập theo Quyết định số 709/QĐ-TTg của Chính phủ.

 

Từ năm 2000 những thông tin về việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi với sự tham gia của Liên bang Nga đã làm hồi sinh nhu cầu học ngoại ngữ này ở miền Trung, đặc biệt là ở Đà Nẵng. Số lượng sinh viên của khoa tăng nhanh. Số sinh viên toàn khoa năm 1999-2000 là 172 SV, năm 2000-2001 là 262 SV, năm 2001-2002 là 380 SV, năm 2002-2003 là 489 SV và đỉnh cao là năm 2003-2004 với 576 SV. Khi đó khoa Nga trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng là khoa tiếng Nga có số sinh viên đông nhất trong cả nước.

 

Ngài BROVARETS ANDREI PETROVICH-Tổng lãnh sự Liên bang Nga tại Đà Nẵng phát biểu chúc mừng và tặng hoa đến TS. Nguyễn Văn Hiện-Trưởng Khoa tiếng Nga.-Ảnh:TN

 

 

Thăng trầm nối tiếp thăng trầm

 

Sau đó cùng với việc LB Nga rút khỏi dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và việc bắt đầu áp dụng điểm sàn tuyển sinh vào đại học, từ năm 2005 trở đi số lượng sinh viên vào Khoa bắt đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, lúc này thị trường việc làm tiếng Nga lại có dấu hiệu khởi sắc, nhất là trong lĩnh vực du lịch do lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam tăng mạnh. Nhiều sinh viên của Khoa sau khi ra trường đã tìm được việc làm có sử dụng tiếng Nga, một điều hầu như không có trước đây, ngay cả khi việc giảng dạy tiếng Nga và quan hệ Việt – Nga nồng thắm nhất.

 

Những năm sau đó, có nhiều khó khăn nhưng thầy trò khoa Nga vẫn luôn nỗ lực trong giảng dạy và học tập. Nắm bắt được nhu cầu thị trường về lĩnh vực du lịch, khoa đã cố gắng trang bị cho sinh viên những kiến thức tiếng Nga và văn hóa trong lĩnh vực này, giới thiệu các em đi thực tập tại các công ty du lịch, khách sạn ở Hội An, Đà Nẵng, Phan Thiết – Mũi Né... Hiện đã có khá nhiều các cựu sinh viên tiếng Nga Đà Nẵng đang làm các công việc liên quan đến tiếng Nga như phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng... tập trung chủ yếu tại các thành phố du lịch của miền Trung như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang và đông nhất là ở Phan Thiết – Mũi Né.

Đây là điều hết sức đáng mừng.

 

Bà Elena Zubtsova – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga. - Ảnh: T.N

 

Một trăn trở của Khoa Tiếng Nga hiện nay là đội ngũ giảng viên với nhiệt huyết, tình yêu sâu nặng với tiếng Nga, nước Nga, văn hóa Nga, thiên nhiên Nga, con người Nga đều đã lớn tuổi, chỉ vài năm nữa thôi là các thầy các cô sẽ về nghỉ hưu.

 

Nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Khoa là xây dựng đội ngũ kế cận để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy tiếng Nga tại dải đất miền Trung nắng gió, mà đậm đà tình người này.

 

Một trong những tin vui là hiện nay đã có một giảng viên trẻ, sinh viên cũ của Khoa, sau đó sang Nga học 6 năm, tốt nghiệp và trở về Khoa giảng dạy. Nhà trường cũng đang xem xét hồ sơ để tuyển tiếp 2 ứng viên trẻ cũng là sinh viên cũ của Khoa, vừa tốt nghiệp thạc sĩ tại Cộng hòa Liên bang Nga.

 

Các em sẽ là những người tiếp bước thầy cô để giữ và phát triển khoa tiếng Nga sau này. Nhu cầu về nguồn nhân lực biết tiếng Nga ngày càng hiện hữu rõ nét hơn. Việc sinh viên tốt nghiệp Khoa tiếng Nga có việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo là động lực giúp các em nỗ lực học tập. Số lượng sinh viên theo học tiếng Nga hiện nay là 257 em.

 

Đổi mới hoạt động Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam để  nền văn hóa đa dạng của nước Nga tiếp tục đến với thế hệ trẻ Việt Nam.

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm chính thức (diễn ra chiều ngày 10/10/2015), bà Elena Zubtsova – Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga nhấn mạnh: Nền móng những truyến thống vinh quang trong sự nghiệp truyền bá tiếng Nga ở Việt Nam đã được dày công xây đắp bởi người sáng lập ra nhà nước Việt Nam độc lập là Bác Hồ Chí Minh mà năm nay chúng ta vừa kỷ niệm 125 năm ngày sinh. Nhờ có sự ủng hộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếng Nga đã được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam – một đất nước đã xây dựng được một trong số đội ngũ các nhà Nga ngữ học tốt nhất trên thế giới. Trong 65 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta đã đào tạo được hàng nghìn chuyên gia đẳng cấp cao – những người biết ứng dụng kiến thức của mình trong nhiều lĩnh vực, nhiều người trong số họ đã đảm nhiệm và tiếp tục giữ chức vụ cao trong Đảng và chính quyền nhà nước.

 

Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga coi việc ủng hộ và truyền bá tiếng Nga ở Việt Nam là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ khôi phục và đổi mới hoạt động chức năng của Trung tâm tiếng Nga do một trong các chuyên gia hàng đầu của Nga trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ chỉ đạo. Trung tâm sẽ giúp đỡ các nhà Nga ngữ Việt Nam về phương pháp giảng dạy cần thiết trong việc nâng cao trình độ chuyên môn của các giáo viên trẻ, soạn thảo chương trình giảng dạy, viết sách giáo khoa và giáo trình tiếng Nga theo định hướng dân tộc và chuyên ngành và nhiều vấn đề khác nữa.

 

Ngoài ra, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tăng cường quá trình cung cấp tài liệu học tập và phương pháp giảng dạy cần thiết trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Liên bang “Tiếng Nga”, bởi chúng tôi hiểu rất rõ rằng quá trình dạy – học tiếng Nga trong giai đoạn hiện thời yêu cầu phải có phương pháp hiện đại và sách giáo khoa, giáo trình lý thú.

 

Đất nước Nga, con người Nga, văn hóa Nga vẫn luôn là những kỷ niệm đẹp trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam.

 

Với hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Khoa tiếng Nga là một trong những khoa có bề dày truyền thống của Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng. 40 năm qua, Khoa đã đào tạo được rất nhiều thế hệ cán bộ đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước.

 

Từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, việc tuyển sinh ngành tiếng Nga gặp nhiều khó khăn nhưng ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng vẫn luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để duy trì và phát triển khoa tiếng Nga trong sự phát triển chung của Nhà trường.

 

Khoa tiếng Nga với đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết, nhiều kinh nghiệm được đào tạo bài bản, chuyên sâu tại nước Nga đã luôn đóng góp quan trọng trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chung của Nhà trường.

 

Sống lại trong ký ức, trong không gian đâu đây ... một thời là Sinh viên Nga văn

- Ảnh: T.N.

 

 

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Nga tại TP Đà Nẵng luôn quan tâm giúp đỡ cho Khoa tiếng Nga về mọi mặt từ việc cho học bổng để cán bộ, sinh viên đi học tập nghiên cứu ở Nga, tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa.

 

Gần đây, tháng 11/2011 Quỹ Thế giới Nga đã tài trợ xây dựng Phòng đọc tiếng Nga với số lượng sách vở đa dạng và trang thiết bị phục vụ học tập. Bên cạnh đó, vừa qua Lãnh đạo thành phố đã ký kết mở tuyến bay trực tiếp từ Đà Nẵng–Nga và ngược lại, mở ra nhiều cơ hội hợp tác song phương cũng như đẩy mạnh hoạt động du lịch, dịch vụ giữa hai bên. Với tác động của nhiều yếu tố, từ năm 2011, số lượng sinh viên Khoa tiếng Nga đã tăng lên, vừa qua, Nhà trường đã mở thêm chuyên ngành tiếng Nga du lịch, đây là mã ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, dịch vụ tại thành phố Đà Nẵng, khu vực miền Trung–Tây Nguyên và cả nước.

 

“Nước Nga trong trái tim tôi” là cụm từ luôn được hàng triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nhắc đến như một biểu tượng tuyệt vời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những đóng góp to lớn của Liên bang Xô Viết trước đây và nước Nga bây giờ đối với công cuộc gìn giữ hòa bình, tiến bộ của thế giới trong đó có Việt Nam. Quan hệ Việt – Nga đã trở thành một mẫu mực tuyệt vời của tình hữu nghị quốc tế gắn bó keo sơn, đời đời bền vững” – Theo Phó GS.TS Dương Quốc Cường-Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) khẳng định.

 

Theo ictdanang.vn