Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực hội nhập thị trường lao động ASEAN: Công nghệ thông tin sẽ là công cụ quyết định tính đột phá trong dạy-học ngoại ngữ

Việt Nam chuẩn bị nguồn nhân lực hội nhập thị trường lao động ASEAN: Công nghệ thông tin sẽ là công cụ quyết định tính đột phá trong dạy-học ngoại ngữ

Updated : 2016/01/13

“Trải nghiệm phương pháp tiếp cận ngôn ngữ mang tính đột phá” là chủ đề hội thảo do ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát tổ chức, vừa diễn ra sáng nay (12/1/2016).

Các diễn giả là giảng viên, chuyên gia giáo dục hàng đầu, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam cũng như nước ngoài đã chia sẻ các kinh nghiệm giảng dạy theo phương pháp mới, tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng.

“Là 1 trong 5 Trung tâm ngoại ngữ cấp khu vực, năm 2015 vừa qua, trường vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tiếp tục chọn là đơn vị nòng cốt thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính chiến lược và đột phá. Hội thảo “Trải nghiệm phương pháp tiếp cận ngôn ngữ mang tính đột phá” cũng như một số sự kiện hoạt động diễn ra trước đó nằm trong chuỗi nỗ lực Nhà trường, liên tục có nhiều đóng góp thiết thực tạo nên nhều chuyển biến tích cực trong công tác giảng dạy, đào tạo ngoại ngữ. Trong đó công nghệ thông tin đã được xác định là công cụ nền tảng để thay đổi phương pháp lẫn nội dung đào tạo” - TS. Trần Hữu Phúc-Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.

TS Trần Hữu Phúc-Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) phát biểu khai mạc.

Về phía đơn vị phối hợp, Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát hiện là doanh nghiệp hàng đầu về giải pháp dạy và học ngoại ngữ. Thế mạnh của Tập đoàn là cung cấp giải pháp giáo dục toàn diện bao gồm: Sách–Thiết bị Giáo dục– Phần mềm Giáo dục trực tuyến–Đào tạo– Giải pháp Thư viện.

Với hơn 10 sát cánh cùng các Nhà Xuất bản nổi tiếng trên thế giới và các tổ chức giáo dục có uy tín trong nước như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo của hơn 54 tỉnh, thành phố, Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát đã và đang cung cấp những giải pháp dạy và học tiếng Anh phù hợp với chương trình giáo dục của Việt Nam đến hơn 5.000 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, CDĐH, kể cả các trường quốc tế, các Trung tâm Ngoại ngữ, Thư viện và hệ thống phát hành sách trên toàn quốc.

"Với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực xuất bản cũng như triển khai các giải pháp dạy-học tiếng Anh, đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và phát triển giải pháp phù hợp nhất cho cả Thầy cô giáo lẫn học sinh, sinh viên. Tâm nguyện của chúng tôi là nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ".

Ông Đoàn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Đại Trường Phát

“Trong quá trình hình thành và phát triển của Đại Trường Phát, từ một đơn vị phân phối sách ngoại văn, với những nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi và cải tiến không ngừng; đến nay Đại Trường Phát chúng tôi đã thành lập được đội ngũ xuất bản với nhiều chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước; Đại Trường Phát cũng trở thành đơn vị liên kết xuất bản cới các NXB nổi tiếng như Macmillan, Oxford, ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh …” – ông Đoàn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Đại Trường Phát cho biết.

Là đơn vị liên kết cùng Tập đoàn Đại Trường Phát trong xuất bản sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy/học tập Anh ngữ theo phương pháp hiện đại, Nhà Xuất bản Express–Anh quốc đã giới thiệu tại thị trường Việt Nam 200 tựa sách được biên soạn theo xu thế tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả dạy-học

Hội thảo “Trải nghiệm phương pháp tiếp cận ngôn ngữ mang tính đột phá” lần này được Tập đoàn Đại Trường Phát phối hợp cùng Nhà Xuất bản Express–Anh quốc, tổ chức tại 4 thành phố lớn Hà Nội – Đà Nẵng – Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ với mục tiêu chia sẻ các kỹ năng, phương pháp, tài liệu dạy và học mới, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh cho giảng viên, giáo viên Việt Nam.

Trực tiếp thuyết trình là các chuyên gia là giảng viên, diễn giả hàng đầu, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam cũng như nước ngoài. Bên cạnh đó, các Thầy Cô giáo tham dự hội thảo cũng có thể tiếp cận với những tài liệu, giáo trình giảng dạy mới ở mọi cấp độ: mầm non, tiểu học, trung học, đại học cũng như cá giáo trình chuyên ngành, kèm theo là các loại truyện đọc phong phú, đa dạng.

Liên quan đến ứng dụng CNTT vào giảng đạy, đào tạo ngoại ngữ, ngày 6/12/2015, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng và thí điểm triển khai bài kiểm tra xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ”.

Đây cũng là một trong những hạng mục quan trọng thuộc chương trình hành động, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2015.

Hội thảo đã nhận được 20 báo cáo là công trình nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu đến từ các trường CĐ-ĐH trên toàn quốc, tập trung trao đổi các vấn đề cụ thể về: phương pháp luận và cơ sở lý thuyết đánh giá trình độ ngoại ngữ trực tuyến; nghiên cứu đối sánh hình thức đánh giá truyền thống và hình thức đánh giá ngoại ngữ trực tuyến; nghiên cứu khai thác các đối tượng học và hình thức sử dụng chúng trong đánh giá trình độ ngoại ngữ trực tuyến; nghiên cứu hướng tiếp cận đánh giá riêng biệt và kết hợp các kỹ năng trong giảng dạy ngoại ngữ trực tuyến; nghiên cứu đảm bảo chất lượng trong đánh giá ngoại ngữ trực tuyến; phương pháp đánh giá xếp lớp trực tuyến. Hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về quy trình xây dựng bài thi xếp lớp trực tuyến cho sinh viên không chuyên ngữ.

Trước đó, ngày 17/10/2015, Nhà trường đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào xây dựng và phát triển đề cương môn học trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh", một trong những hạng mục của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 300 giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên sau ĐH. Ngoài các báo cáo của các nhà khoa học, các chuyên gia, Hội thảo cũng đã nhận được 27 báo cáo là công trình nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu đến từ các trường CĐ-ĐH trong và ngoài nước.

Hội thảo đã tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ và truyền thông trong giảng dạy, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trực tuyến, mô hình “Học tập hợp tác và Học tập tích hợp”; ứng dụng công nghệ trong các lớp học ngoại ngữ; Vận dụng khối liệu Internet trong lớp học ngoại ngữ và giao lưu văn hóa; Quản lý môi trường đa/siêu phương tiện; Công nghệ mới trong dạy và học ngoại ngữ; Tăng cường học tập tự chủ thông qua các ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông;…

Trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, Cộng đồng ASEAN đã hình thành, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam phải phù hợp với các nước theo khung chuẩn năng lực ASEAN đã công bố, theo TS Trần Hữu Phúc, việc nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trở nên bức bách hơn lúc nào hết. Bởi chính điều đó, góp phần tạo nên nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập, mặt khác, cũng đáp ứng nhu cầu của chính các em những người sẽ gia nhập thị trường lao động, bước vào môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao giữa lao động các quốc gia ASEAN.